Tạo lợi thế phát triển
Tuyên Quang không có nhiều lợi thế về “địa kinh tế”, ở trong tình trạng 5 “không”: Không có đường không, không có cảng biển, không có cửa khẩu, không có đường sắt và không có đường cao tốc. Xuất phát từ thực tế đó và để không bị tụt hậu, bắt nhịp với xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá.
Mục tiêu đã được xác định rõ là xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước để tạo lợi thế phát triển. Từ mục tiêu đó, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án phát triển giao thông khoa học, bài bản. Trọng tâm là xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đây là mục tiêu đã được xác định từ nhiệm kỳ đại hội trước nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là không tìm được nhà đầu tư theo hình thức BOT, do đó dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã bị ngưng trệ trong nhiều năm.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo tỉnh khảo sát xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, tháng 5-2021.
Tỉnh xác định, không xây dựng được đường cao tốc, Tuyên Quang “mãi đi sau”, do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã kiên trì bám đuổi mục tiêu đã đề ra. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã xúc tiến làm việc với các bộ, ngành Trung ương đánh giá cụ thể sự cần thiết của việc triển khai thực hiện đề án, không chỉ mang lại lợi thế cho Tuyên Quang và cho cả khu vực, do đó dự án đã được các bộ, ngành trình Chính phủ xem xét, nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tháng 2-2021, Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức động thổ xây dựng, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thi công tuyến, phấn đấu năm 2024 đưa vào vận hành và khai thác.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Giao thông - Vận tải và các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với tỉnh Hà Giang tiến hành đánh giá, khảo sát nhu cầu xây dựng đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, việc xây dựng đường kết nối liên vùng không đảm bảo tính đồng bộ, thiếu tính bền vững, do đó cần phải điều chỉnh quy mô dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp, cho ý kiến về vấn đề này và nhất trí để UBND tỉnh đổi tên dự án trình kỳ họp chuyên đề lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIX thông qua. Việc đổi tên đề án có ý nghĩa rất quan trọng, tạo sự thống nhất về tên gọi, quy mô đầu tư và đáp ứng chiến lược phát triển không chỉ của tỉnh, khu vực và cả nước trong giai đoạn mới. Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, kết nối với cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) mở ra cơ hội phát triển thương mại, du lịch giữa hai tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang với các địa phương của Trung Quốc.
Mục tiêu xây dựng đường cao tốc phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn, bắt nhịp với xu thế phát triển mới đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo được niềm tin của nhân dân vào tương lai tươi sáng của quê hương cách mạng.
Các nghị quyết, đề án “lấy dân làm gốc”
Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, trong nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sớm ban hành các nghị quyết, đề án triển khai các giải pháp phát triển bài bản, khoa học. Các nghị quyết, đề án đều “lấy dân làm gốc”, do đó được người dân hưởng ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tỉnh ủy chủ trương và chỉ đạo, việc ban hành nghị quyết, đề án phải lấy người dân làm trung tâm, không ban hành nghị quyết xa rời thực tiễn bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, trong nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ tỉnh chỉ ban hành 3 nghị quyết, 1 đề án; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 nghị quyết, 1 đề án; UBND tỉnh ban hành 11 đề án, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, nguyên Trưởng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đánh giá cao Tuyên Quang ban hành các nghị quyết có chọn lọc, sát thực, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hay nói cách khác, Tuyên Quang đã biến khát vọng, ý nguyện của người dân vào nghị quyết, do đó các nghị quyết đã được người dân tự nguyện thực hiện rất hiệu quả. Chẳng hạn như các nghị quyết về phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin thực sự “đón đầu” nguyện vọng của người dân, nhân dân là chủ thể tổ chức thực hiện nghị quyết, không phải hô hào gì cả. Nhờ đó, đến nay, Tuyên Quang là thủ phủ của gỗ rừng trồng với gần 200.000 ha, thu hút nhiều công ty, nhà máy lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện Tuyên Quang có 8 nhà máy lớn đầu tư chế biến lâm sản tại tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Các nghị quyết, đề án, chương trình được tỉnh ban hành lấy người dân làm trung tâm, do đó người dân vào cuộc một cách tự nguyện và đầy nhiệt huyết. Những cánh rừng, khu sản xuất hàng hóa, những cung đường bê tông trải dài là thành quả của tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Ông Hoàng Văn Sắc, thôn Rạp, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) đã hiến 250 m2 đất, ủng hộ 10 triệu đồng cho thôn làm đường. Ông chia sẻ, nghị quyết của tỉnh ban hành sát với mong ước của người dân, vậy nên không có ai ở ngoài cuộc, mọi người đều sẵn sàng. Do đó, ông và các gia đình trong thôn chung tay làm con đường dài 600 m, mặt đường rộng 5 m. Ông tin “đại lộ đại phú” sẽ đến với thôn ông trong tương lai gần…
Luôn lấy thực tiễn làm thước đo cho sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, vậy nên các nghị quyết, đề án của tỉnh đều được người dân đánh giá cao và tự nguyện thực hiện, tạo động lực phát triển, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng ấm no, hạnh phúc.