Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra những giải pháp căn bản nhằm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, trong đó cần phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo. Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp để PCTNTC, kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản khác để chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên mọi lĩnh vực. Quan điểm xuyên suốt là gắn đấu tranh PCTNTC, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trước hết là trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có đủ phẩm chất, năng lực, đủ sức đề kháng chống lại mọi cám dỗ tầm thường để chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, vượt qua mọi vị kỷ trong mỗi con người, luôn sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và Nhân dân.
Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Quy định số 03-QĐ/TU về giao việc đột phá, việc đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tập trung giải quyết những việc lớn, việc khó, những điểm nghẽn liên quan đến quá trình lãnh đạo, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đời sống của Nhân dân.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao 463 việc đột phá, đổi mới đối với 78 đồng chí cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cùng với đó các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị đã giao là 4.376 việc đối với 1.997 cán bộ, viên chức, công chức. Có thể nói, giao việc đột phá gắn với thực hiện cơ chế giám sát tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn cụ thể là "phương thuốc" hữu hiệu để tăng trách nhiệm, tăng tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu. Qua đó rà soát, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; phát hiện những vấn đề mới phát sinh, để đề ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp khắc phục.
Cán bộ đảng viên tìm hiểu Tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cùng với đó, các cấp ủy trong toàn tỉnh triển khai, thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu. Từ quý IV năm 2021, tỉnh thực hiện chủ trương đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dành ít nhất 1 ngày/tháng về thôn, bản theo phương châm "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với Nhân dân để tăng cường mối liên hệ mật thiết với Nhân dân và nâng cao kiến thức thực tiễn, kịp thời phát hiện giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở.
Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả toàn diện tỉnh chú trọng các giải pháp mang tính phát hiện từ sớm, từ xa, "tự soi", "tự sửa". Trong năm 2022, Tỉnh ủy đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề "Tự soi, tự sửa". Kết quả: có 3.260 chi bộ với 49.418/50.200 đảng viên đã thực hiện "tự soi", "tự sửa". Qua đó giúp cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức, hành động, phát huy tốt vai trò nêu gương và nhận diện rõ hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Các cấp ủy trong toàn Đảng bộ triển khai mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn Chuyên đề năm 2023: "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Việc học tập được gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, công tác giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu xác định rõ những nội dung cần làm, tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, "nói đi đôi với làm".
Có thể nói việc tăng cường các giải pháp nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả PCTNTC từ sớm, từ xa theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Đảng "phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc".
Không vùng cấm, không ngoại lệ
Công tác PCTNTC từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là sau khi thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đã có những chuyển biến rất tích cực. Ban Chỉ đạo ban hành 20 văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, chủ động thực hiện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy sự quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành thực hiện các quy định về quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách; việc chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công; thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn và tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch tài chính doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư nhất là những hoạt động dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân nhất là trong các lĩnh vực thuế, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, dịch vụ công, quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng, quy hoạch, dự án kinh tế - xã hội…
Công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra - kiểm tra lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua được tỉnh quan tâm thực hiện, hoạt động phối hợp giữa kiểm tra giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra được đẩy mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 2.418 tổ chức đảng và 2.769 đảng viên; giám sát 1.555 tổ chức đảng, 2.488 đảng viên. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng, 419 đảng viên.
Điểm nổi bật trong công tác PCTNTC của tỉnh từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là đã gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống"; tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp, kịp thời phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là qua giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết nguồn tin về tội phạm; công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đảm bảo chặt chẽ; việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng tăng cao so với thời gian trước.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 30 vụ/77 bị can về hành vi tham nhũng. Tổng số tiền thất thoát, thiệt hại, vụ lợi từ các vụ án tham nhũng là 7,5 tỷ đồng. Số vụ án tiêu cực thụ lý 33 vụ/39 bị can. Qua đó đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực từ tỉnh đến cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Đồng chí Phùng Tiến Quân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo PCTNTC tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp PCTNTC theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế bảo đảm chặt chẽ để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra và kiến nghị kiểm toán hằng năm. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác PCTNTC trong thời gian tới.