Xây dựng chính quyền vì dân

72 năm đã qua nhưng bài học về “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” của Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị. Thông qua việc tiếp xúc, đối thoại, các cơ quan dân cử, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của nhân dân để chú trọng giải quyết, hướng tới xây dựng một chính quyền vì dân.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra tình hình làm nhà văn hóa tại xã Trung Môn (Yên Sơn).

Gần dân, nghe dân, hiểu dân nên cấp ủy và chính quyền các cấp đã có nhiều quyết sách quan trọng hợp lòng dân, tạo sức lan tỏa rộng lớn. Trong đó, thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh có kế hoạch làm hơn 182 km kênh mương nội đồng, 88,2 km đường bê tông, 149 nhà văn hóa. Đến nay các đơn vị đã cung ứng hơn 111 km cấu kiện kênh mương nội đồng, hoàn thiện được 30,6 km; cung ứng hơn 4.200 tấn xi măng, 354 ống cống, làm được 16,33 km đường bê tông nội đồng; cung ứng đủ cấu kiện để hoàn thành 52 nhà văn hóa. 

Thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, các cơ quan, đơn vị tập trung phát triển, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương có lợi thế và một số nông sản hàng hóa khác có hiệu quả kinh tế gắn với nhu cầu của thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 8.859 ha chè với 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ có đăng ký kinh doanh chế biến, tiêu thụ chè; hơn 11.000 ha mía, trong đó Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương ký hợp đồng liên kết sản xuất trên 25.000 hộ. Toàn tỉnh có hơn 11.500 con trâu, trong đó đã giải ngân cho các hộ dân vay hơn 125,9 tỷ đồng mua 5.590 con trâu giống với lãi suất ưu đãi...

Từ đổi mới phương pháp lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự vận dụng sáng tạo các Nghị  quyết vào thực tiễn của địa phương đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày thêm khởi sắc. Riêng từ đầu năm đến nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,18%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng sản lượng lương thực vụ xuân đạt hơn 151,400 tấn, đạt 100,1% kế hoạch; thu hút hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, đạt trên 71% kế hoạch năm...

Việc tăng cường tiếp xúc trực tiếp với nhân dân luôn được chính quyền các cấp chú trọng. Qua đối thoại với dân, nhiều kiến nghị chính đáng của nhân dân từ việc đề nghị lắp đặt biển ngõ, số nhà đến những nguyện vọng lớn hơn liên quan đến quy hoạch đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường... đã được chính quyền các cấp trong tỉnh trả lời và giải quyết dứt điểm. Điển hình như nguyện vọng của nhân dân phường Nông Tiến vừa qua về việc cần đầu tư xây dựng lại 2 phòng học của Trường Tiểu học vì đã xuống cấp nghiêm trọng. HĐND thành phố đã xuống tận nơi kiểm tra thực tế sau đó đề nghị UBND thành phố xem xét, đầu tư. Theo lộ trình, công trình Nhà hiệu bộ và phòng học Trường Tiểu học Nông Tiến được phê duyệt đầu tư vào năm 2019, nhưng trước kiến nghị của HĐND và để đáp ứng yêu cầu dạy và học, UBND thành phố đã điều chỉnh lộ trình chuyển sang xây dựng vào năm 2018.


Lãnh đạo xã Tuân Lộ, Sơn Dương (người đầu tiên bên phải) trao đổi với người dân thôn Vực Lửng
về năng suất mía vụ ép 2017 - 2018.

Trong các đợt mưa lũ vừa qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo đời sống cho người dân. Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đầu tháng 7, đợt mưa lũ đã làm 21 nhà dân ở 2 huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên bị đất sạt lở vào nhà; hơn 110 ha lúa, hoa màu bị ngập chìm trong nước; 2 công trình thủy lợi ở xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) bị lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Trước ảnh hưởng của mưa lũ, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cử cán bộ đến các hộ dân kiểm tra tình hình thiệt hại, động viên và giúp đỡ bà con nhân dân khắc phục hậu quả. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát kỹ từng địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng và thông tin, cảnh báo kịp thời cho nhân dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng mưa to gây lũ quét, sạt lở đất và nước lũ lên nhanh ở ven sông, suối; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để di dời kịp thời nhân dân ra khỏi những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn. 

Ông Hoàng Văn Dụ, thôn 10 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) cho biết, sau khi cơn bão đi qua, chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến thống kê tài sản thiệt hại, hỗ trợ gia đình 10,5 triệu đồng và giúp đỡ gia đình khắc phục hậu quả thiên tai. Sự quan tâm của chính quyền địa phương giúp gia đình từng bước vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống, tăng cường sự tin tưởng, gắn kết của nhân dân với chính quyền.

Những ngày này, người dân xã Thái Long (TP Tuyên Quang) phấn khởi vì nước tưới sản xuất vụ mùa được đảm bảo. Trước mỗi vụ sản xuất không còn thấy sự lo lắng của người dân các thôn Hòa Mục 1, 2, Thái Bình 1, 2 về tình trạng không đủ nước tưới. Ông Nguyễn Xuân Ấm, Trưởng thôn Hòa Mục 1 cho biết, trước đây đập công ích được Dự án RIDP đầu tư nhưng bị xuống cấp. Vào mùa khô, nước bị thất thoát, không đủ cung cấp cho sản xuất của bà con. Tại cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVIII, Ban quản lý công trình thủy lợi tỉnh đã cử cán bộ xuống tận nơi để khảo sát. Chỉ thời gian ngắn sau đó, đập công ích người dân kiến nghị tới đại biểu HĐND tỉnh đã được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng đầu năm 2017.

Nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân, 72 năm qua kể từ mùa thu cách mạng năm 1945, quê hương Tuyên Quang không ngừng phát triển, đời sống người dân ngày thêm ấm no.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục