Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020

Thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, thời gian qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và tạo cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của chương trình là: Nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ tại Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, tỉnh đã chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thực hiện chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) tăng 9,45% so với năm 2019; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 45,9 triệu đồng/người/năm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, mở rộng cơ chế thuế, tăng cường quản lý thu; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; thực hiện quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; chống lãng phí trong mua sắm tài sản công thông qua việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện toàn tỉnh có 66 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ về tài chính, trong đó có 11 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 31 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; còn lại 21 đơn vị do nhà nước chi thường xuyên.

Nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, tỉnh đã đề ra các giải pháp thực hiện trong năm 2020 như: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội. Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung: Tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; điều hành quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; thực hiện triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; đặc biệt là khoản tiết kiệm chi 10% kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và tiết kiệm kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 ở địa phương; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm theo đúng quy định của nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao liên quan đến đất đai, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức và thực hiện công khai minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút được người có năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, chính trị - xã hội trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cuộc họp và các khâu tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính góp phần cắt giảm thời gian, chi phí, công khai minh, bạch khi thực hiện thủ tục hành chính; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là yếu tố quan trọng, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể hóa kế hoạch triển khai thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục