Giai đoạn 2016-2018, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nề nếp; việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được thực hiện hàng năm theo kế hoạch đảm bảo đúng quy định.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm thời gian giải quyết TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực có liên quan đến người dân và doanh nghiệp như: Thuế, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh…Các cơ quan, đơn vị đã đăng ký và giảm thời gian giải quyết đối với 580 TTHC của các sở, ngành thuộc tỉnh, 378 TTHC của UBND huyện, thành phố, theo đó thực hiện giảm thời gian giải quyết TTHC cơ bản bình quân đạt trên mức 30%. Một số lĩnh vực giảm từ 50% đến 83% thời gian giải quyết so với quy định của pháp luật như: Lĩnh vực đấu thầu, tư pháp, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông…..các cơ quan, đơn vị tổ chức giải quyết TTHC theo đúng quy định, kết quả hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt 99%.
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã đã duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị được thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hệ thống Một cửa điện tử được cài đặt và vận hành ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Tổng số dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công - Một cửa điện tử của tỉnh là 2.682 thủ tục. Trong đó, mức độ 2 là 1.792 thủ tục; mức độ 3 là 818 thủ tục; mức độ 4 là 72 thủ tục.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Về tổ chức bộ máy, tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án cụ thể để tổ chức thực hiện. Thí điểm hợp nhất các tổ chức tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khối Đảng và các cơ quan khối nhà nước, thực hiện giảm 16 đơn vị sự nghiệp; sắp xếp giảm 234 điểm trường. Xây dựng đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã khi điều chỉnh mở rộng Thành phố Tuyên Quang; giảm 02 đơn vị hành chính không đảm bảo 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, năm 2019 tiến hành sáp nhập 689 thôn, tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định để thành lập 332 thôn, tổ dân phố mới, giảm 357 thôn, tổ dân phố; giảm 1.785 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.
Về quản lý biên chế: Công tác quản lý, sử dụng biên chế được thực hiện theo đúng quy định hiện hành, gắn với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương, của tỉnh. Thực hiện nghiêm chủ trương tuyển dụng mới không quá 50% biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và số đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. Từ 2015-2018, tỉnh đã giao, tiết kiệm được 3.499 biên chế so với quy định của Trung ương.
Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước góp phần rút ngắn thời gian xử lý công việc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước có chuyển biến tích cực.
Chỉ số CCHC của tỉnh Tuyên Quang qua từng năm có sự chuyển biến tích cực, từ thứ hạng 49/63 tỉnh, thành phố năm 2015 lên thứ hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong các năm 2016 và 2017. Trong đó, năm 2017 có 02 lĩnh vực được đánh giá ở tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước là cải cách tổ chức bộ máy (đứng thứ 02/63 tỉnh, thành phố) và cải cách tài chính công (đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố). Năm 2018, Chỉ số CCHC của tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc thứ hạng so với năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC vẫn còn một số hạn chế như: Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của địa phương có lúc chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; giải quyết TTHC một số trường hợp quá hạn mà không có thông báo hoặc gửi thư xin lỗi đến người dân, tổ chức; việc niêm yết công khai TTHC tại một số đơn vị chưa kịp thời, tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp…
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác CCHC; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện CCHC của cơ quan, đơn vị trên cơ sở đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị…