Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển |
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, ngay sau cuộc bầu cử thành công, HĐND các tỉnh, thành phố đã bắt tay ngay vào thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định với nhiều nỗ lực, cố gắng, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với thực tiễn từng địa phương, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có dấu ấn nổi bật và ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương, đóng góp quan trọng vào thành quả và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2021.
Qua theo dõi thực tế cũng như qua kết quả hội nghị đầu tiên của khu vực tổ chức hôm nay, chúng tôi cảm nhận được chuyển động rất tích cực, có luồng gió mới trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Có quyết tâm mới, khí thế mới và nhiều cách làm mới. Việc này diễn ra khá đều khắp từ các thành phố trực thuộc Trung ương đến các tỉnh lớn, tỉnh nhỏ từ khu vực miền núi, trung du đến đồng bằng... Cùng với những đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cử tri và Nhân dân cũng đánh giá hoạt động của HĐND các cấp có chuyển động tích cực, tạo ra khí thế mới trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan dân cử.
Qua báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham luận của các đại biểu, có thể khái quát một số kết quả chủ yếu như sau:
Thứ nhất, trong năm 2021, HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp tỉnh, thành phố đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong điều kiện bị tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt tới 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, ngày bầu cử 23.5.2021 đã thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Cuộc bầu cử đã bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và cơ bản đủ số lượng đại biểu HĐND với cơ cấu hợp lý và chất lượng được nâng cao.
Thứ hai, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh, thành phố để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam... nhưng HĐND tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy HĐND, đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của từng địa phương.
Năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn sớm và rất chi tiết, cho nên kể cả ở những HĐND có đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND “mới tinh” tham gia khóa đầu tiên cũng tổ chức kỳ họp lần thứ nhất rất chu đáo, đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định của pháp luật, kiện toàn rất sớm nhân sự của chính quyền địa phương, bao gồm cả HĐND và UBND.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời xem xét và ban hành các Nghị quyết phê chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố.
HĐND tỉnh, thành phố cũng đã sớm ban hành các Nghị quyết về Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với UBND, Ban thường trực MTTQ tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố cũng đã ban hành Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND, MTTQ Việt Nam và các Đoàn đại biểu Quốc hội như Yên Bái, Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình...
Ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức nhiều kỳ họp bất thường để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội Khóa XV, Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn… Như HĐND tỉnh Hưng Yên, riêng năm 2021, đã tổ chức đến 7 kỳ họp; HĐND các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang cũng tổ chức 6 kỳ họp; HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức 5 kỳ họp; HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức 4 kỳ họp… - rất linh hoạt, nhạy bén, trách nhiệm, đáp ứng kịp thời thực tiễn cuộc sống.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, không kể các Nghị quyết về công tác nhân sự, HĐND cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết với số lượng lớn, ít nhất 35 nghị quyết và nhiều nhất là tới 190 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền của HĐND theo quy định của pháp luật, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội cũng như các mặt công tác khác.
Thứ ba, đã tổ chức thực hiện tốt hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; đã có những đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề; triển khai phối hợp công tác giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 4 chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Trung ương, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm nay là năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội huy động sự vào cuộc của hầu hết HĐND các tỉnh, thành phố; Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong tổ chức thực hiện 4 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vừa rồi, chúng tôi đọc báo cáo giám sát của các tỉnh, thành phố gửi lên thấy chất lượng rất tốt. Chúng ta tạo ra được hệ thống dữ liệu và cơ sở, bằng chứng thực tiễn rất sát thực của địa phương, vừa sát thực tiễn, vừa “đỡ” cho công tác giám sát trực tiếp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không nhất thiết phải “dàn hàng ngang” ra đi giám sát như trước mà chất lượng thì tốt hơn.
Thứ tư, đã chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri và tổ chức các kỳ họp của HĐND, Thường trực HĐND, bao gồm cả hình thức trực tuyến, trực tiếp; kết hợp trực tuyến, trực tiếp; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của Nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%, trong đó giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt 87,6%, giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo đạt hơn 89%. Đây là điều rất tích cực.
Thứ năm, thực hiện tốt chức năng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của HĐND, việc giải quyết các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thường trực HĐND trong thời gian không họp HĐND theo Nghị quyết 30 của Quốc hội Khóa XV. Hoạt động của các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng.
Nghị quyết 30 của Quốc hội Khóa XV đã giao cho Chính phủ những quyền hạn đặc thù, đặc cách, đặc biệt; địa phương giao cho Thường trực HĐND trong khi HĐND không họp quyết sách kịp thời để ứng phó với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ sáu, về điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND: từ cuối năm 2020 đến hết tháng 6.2021, các tỉnh, thành phố đã thực hiện xong việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND theo Nghị quyết số 1004/NQ-UBTVQH14. Tăng cường trang, thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động của HĐND.
Nhìn chung trong năm 2021, HĐND tỉnh, thành phố đã luôn quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; việc hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp. Nhiều tỉnh thành đã ban hành đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
Đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt, cam go của đại dịch Covid-19, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng mọi điều kiện, hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao năm 2021 và tạo tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ của HĐND trong cả nhiệm kỳ, giai đoạn 2021 - 2026.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu sau:
- Chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri.
- Hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp. Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế (điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á); việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại một số tỉnh, thành còn thiếu tích cực, lập và gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế.
Trên cơ sở Nghị quyết 30 của Quốc hội và sau đó Chính phủ có ban hành nghị quyết rất cụ thể về mua sắm công, nhất là trong lĩnh vực mua sắm thuốc, test kit, vật tư, trang thiết bị y tế. Bên cạnh một số địa phương làm rất tốt, tại sao vẫn có địa phương không mua sắm được, không dám mua và ngược lại thì không ít địa phương mua thì có sai phạm? Các đồng chí cũng thấy là sai phạm trong mua sắm công được phát hiện qua điều tra, công tác của các cơ quan chức năng, còn chưa thấy rõ vai trò giám sát của HĐND (?). Qua đây chúng ta cũng thấy cần rà soát lại và rút ra kinh nghiệm cụ thể...
- Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Nhân dân và cử tri còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện.
- Quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố hiệu quả chưa đồng đều.
Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, tôi cơ bản đồng tình, thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến tham luận của các địa phương, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung theo luật số 47/2019/QH14 “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, bao gồm chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, công tác tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn… để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố cả về tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; xây dựng chính quyền (công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm); trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, các lĩnh vực và giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát cùng cấp, các Ban của HĐND, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và văn bản của HĐND cấp huyện; tổ chức giám sát theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022.
Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố. Phải đặt và coi đại biểu HĐND là trung tâm; chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND quyết định chất lượng, hiệu quả công tác của HĐND nói chung và mọi quyết sách liên quan đến chính quyền địa phương theo thẩm quyền, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết.
Từ kinh nghiệm của Quốc hội và HĐND một số tỉnh, thành phố, HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ).
Thứ ba, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022 - 2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, đây là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND như các kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử từ xa…
Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, với UBND và MTTQVN tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức.
Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026 - 2031; phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp và công chức, viên chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề... Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp” và dự thảo “Nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân’’ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Tôi đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố dự Hội nghị hôm nay tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết, để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giải quyết được những vướng mắc mà các đồng chí đã nêu trong 8 tham luận trình bày tại hội nghị cũng như trong các báo cáo chưa được trình bày.
Thứ tám, tăng cường công tác giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các HĐND tỉnh, thành phố; giữa HĐND với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tăng cường sử dụng các chuyên gia, cộng tác viên trong hoạt động của HĐND.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc sử dụng các chuyên gia, cộng tác viên trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Chúng tôi cũng đề nghị HĐND quan tâm tới việc này.
Trong năm 2022, Quốc hội và HĐND các cấp sẽ cùng thi đua để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, sự kỳ vọng và mong muốn của Nhân dân, cử tri cả nước cũng như từng địa phương.