Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV

Chiều nay 8-9, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã gặp mặt đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi gặp mặt.

Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và 50 đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về một số nội dung trong công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội và kết quả triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024.


Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt các đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số.

Đại hội có  250 đại biểu chính thức đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn tỉnh, thuộc nhiều thành phần, lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng; các các đại biểu là công nhân, nông dân, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu đại diện cho 19 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2019-2024, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác. Đến cuối năm 2023 số hộ nghèo chung toàn tỉnh là 30.142 hộ, chiếm tỷ lệ 14,03%, giảm bình quân 4,71%/năm; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 24.738 hộ, chiếm tỷ lệ 22,03%, giảm bình quân 7,6%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, quy mô trường, lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng mở rộng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.


Đại biểu dân tộc thiểu số phát biểu tại buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu báo cáo những kết quả, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh vùng dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư ngày càng đồng bộ từ đường cao tốc đến các tuyến đường nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, an sinh, giáo dục... Điều đó cho thấy sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, nền tảng quan trọng trong phát huy toàn diện sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, là động lực lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Đồng chí mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở các dân tộc, các địa phương.

Trước đó, Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV đã tới dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm thành phố Tuyên Quang.


Các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu đã thành kính dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất, ngày càng phồn vinh và phát triển. Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ III năm 2019, tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được nâng lên.

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ các đại biểu nguyện vững mãi niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng; kiên định mục tiêu và con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà của tỉnh cho các đại biểu.


Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao quà cho các đại biểu.


Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao quà cho các đại biểu.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục