Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 28 tỉnh thành khu vực phía Bắc, Bắc Trung bộ nằm trong vùng chịu tác động của cơn bão.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và đại biểu dự tại điểm cầu Tuyên Quang.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơn bão số 3 dự báo có cường độ rất mạnh, ngày 5-9, bão đã đạt cấp siêu bão, đường đi, cường độ của bão đang diễn biến rất khó lường. Đây là cơn bão được đánh giá là lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Cơn bão đang di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h, tiếp tục mạnh lên đạt cường độ mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Dự báo mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc biển Đông trong các ngày 5 đến ngày 7-9.
Nhận định vào khoảng chiều tối 7-9 bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình). Từ ngày 6 đến ngày 9-9, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm. Dự báo tỉnh Tuyên Quang có 6 huyện sẽ chịu tác động của cơn bão, hoàn lưu bão.
Trước hình hình diễn biến của cơn bão, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão; xây dựng kịch bản, sơ tán dân, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ sản xuất…
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất kịch bản theo phương châm 3 trước (nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước và phát hiện, hành động, xử lý trước); 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước, trong, sau bão.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang qua rà soát có 49 xã nằm trong khu vực trọng điểm sạt lở; 58 xã trọng điểm xảy ra lũ ống, lũ quét; 35 xã trọng điểm ngập lụt. Chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu các huyện, thành phố chủ động phương án ứng phó, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Cơn bão số 3 đang diễn biến rất phức tạp, đường đi, cường độ bão đã đạt đến mức siêu bão, mức độ rủi ro thiên tai là rất lớn. Phó Thủ tướng đánh giá rất cao các cơ quan chuyên môn đã theo dõi, đánh giá rất sát về diễn biến bão giúp Chính phủ, cơ quan chuyên môn, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra Phó Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác thông tin, các bản tin dự báo, cảnh báo, diễn biến bão, đặc biệt trong các khu vực bị ảnh hưởng để người dân nắm được, chủ động các biện pháp ứng phó; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát ứng phó, phòng, tránh bão, kiên quyết di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tuyệt đối không để bị động trước mọi tình huống khi bão xảy ra; sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với bão.
Đồng chí Phó Thủ tướng cũng đề nghị, bão đã rất lớn, hoàn lưu bão cũng sẽ vô cùng nguy hiểm, các hiện tượng thiên tai nguy hiểm: Mưa lớn, ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá sẽ xảy ra cơ các khu vực vùng trũng, thấp, sườn núi, ngành khí tượng thủy văn phải dự báo, thông báo đầy đủ lượng mưa, mực nước thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó.