Tháng 10 năm 1944, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta để tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.
Tháng 5 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang lãnh đạo cách mạng. Ngày 04/6/1945, Hội nghị Cán bộ Việt Minh đã quyết nghị thành lập khu giải phóng, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên và thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng. Uỷ ban có nhiệm vụ lãnh đạo toàn Khu về các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội. Chính sách chung của Uỷ ban lâm thời dựa vào ba điểm chính, đó là: Tổng động viên nhân dân trong khu để kháng Nhật; căn cứ vào điều kiện cụ thể và nhu cầu của cuộc kháng chiến mà thực hiện chương trình Việt Minh, kiến lập nền Dân chủ cộng hòa và ban bố các quyền phổ thông đầu phiếu, tự do dân chủ, dân tộc tự quyết, nam nữ bình quyền; cải thiện sinh hoạt cho nhân dân: Bỏ sưu, bỏ thuế thân, vận động sinh sản, v.v... Tân Trào được chọn là Thủ đô lâm thời của Khu giải phóng, là căn cứ địa chính của cách mạng cả nước, là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới. Hơn một triệu đồng bào trong Khu giải phóng bắt đầu được hưởng thành quả cách mạng. Tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút họp Đại hội đại biểu Quốc dân. Lúc bấy giờ, cao trào Kháng Nhật cứu nước đang cuồn cuộn dâng lên từ Nam chí Bắc. Toàn quốc đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập.
Quốc dân Đại hội Tân Trào. (Tranh minh họa) |
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Ngay đêm hôm đó, Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ lệnh khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1, kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã được khai mạc tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, để cả đất nước Việt Nam đứng lên tự làm chủ vận mệnh mình và đất nước mình. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, bao gồm: (1) Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. (2) Võ trang nhân dân. Phát triển quân Giải phóng Việt Nam. (3) Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo. (4) Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ. (5) Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền. (6) Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân. (7) Ban bố Luật lao động; ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm. (8) Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở Quốc gia ngân hàng. (9) Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hóa mới. (10) Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ”. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là cờ đỏ, sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”của Nhà nước Việt Nam.
Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa, với tinh thần quật cường của Quốc dân đại hội Tân Trào, cả nước đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Quốc dân đại hội Tân trào chính là tiền thân của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
75 năm đã trôi qua, tinh thần Quốc dân đại hội vẫn mãi mãi là bài học lịch sử quý báu cần được vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước, mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mãi là niềm tự hào của Đảng, của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Khu vực Đình Tân Trào, Quảng trường Tân Trào. Ảnh: sonduong.gov.vn |
Nhằm phát huy giá trị lịch sử của Quốc dân đại hội Tân Trào và các di tích lịch sử tại khu di tích đặc biệt quốc gia Tân trào, tại kỳ họp chuyên đề tháng 02 năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư và xây dựng năm 2020 tỉnh Tuyên Quang, dự án Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Tại kỳ họp chuyên đề tháng 6/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 là việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự tri ân đối với các vị tiền bối cách mạng đã từng gắn bó với vùng đất chiến khu cách mạng Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và là nơi lưu giữ cho các thế hệ những tư liệu lịch sử vô giá về truyền thống cách mạng kiên cường của dân tộc, về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều hoạt động của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương, các vị tiền bối cách mạng trong những năm tháng gian khổ của cách mạng Việt Nam. Đây là dự án được quyết định đầu tư xây dựng vào đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 75 năm Quốc dân đại hội Tân Trào, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khách 02/9, tạo dựng một điểm nhấn trong thực hiện quy hoạch, phát triển khu du lịch quốc gia đặc biệt Tân Trào; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng căn cứ địa cách mạng Tân Trào và vùng lân cận.