Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang. |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, tôi nhiệt liệt chào mừng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại biểu các cơ quan Trung ương; các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, các đồng chí đại biểu, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương về dự Hội thảo quan trọng này.
Xin gửi tới các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Kính thưa toàn thể các đồng chí!
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với tầm nhìn chiến lược thiên tài, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam và lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội. 75 năm đã qua kể từ khi cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ nước nhà, công lao to lớn của Người đời đời được dân tộc Việt Nam khắc ghi và gìn giữ.
Đầu năm 1945, khi tình hình thế giới biến động mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ Pắc Bó, Cao Bằng, Bác Hồ đã chỉ thị phải chọn ngay một địa bàn làm căn cứ lãnh đạo cách mạng cả nước. Tân Trào, Tuyên Quang mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài đã được chọn làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước.
Tháng 5-1945, Bác Hồ rời Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Sơn Dương. Tại đây, đầu tháng 6/1945, Người đã chỉ đạo thành lập Khu giải phóng gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một phần các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, lấy Tân Trào làm đại bản doanh - Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu giải phóng.
Với bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn đoàn kết, một lòng, một dạ sắt son theo Đảng, xây dựng phong trào, củng cố cơ sở cách mạng vững chắc. Nơi đây cũng đã chứng kiến quyết tâm sắt đá của lãnh tụ Hồ Chí Minh "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" và nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa; Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam lập ra Chính phủ lâm thời, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh - Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quy định Quốc kỳ, Quốc ca và tổ chức Lễ xuất quân của đơn vị Quân giải phóng… hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi từ Tân Trào, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Khi cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng năm xưa trở thành Thủ đô Kháng chiến. Từ năm 1947 đến năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và hầu hết các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cũng chính nơi đây đã diễn ra những sự kiện quan trọng và ra đời nhiều quyết sách quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá, Đảng ta đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (từ ngày 11 - 19/02/1951). Đây là Đại hội Đảng đầu tiên được tổ chức trong nước và duy nhất cho đến nay được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định tổ chức ở 3 nước Đông Dương mỗi nước một Đảng cách mạng riêng phù hợp với điều kiện của từng nước; quyết định đưa Đảng ta ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam; hoàn thiện đường lối "kháng chiến, kiến quốc" đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn, là một dấu mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta, đặc biệt là tư duy lý luận về cách mạng.
Kính thưa các đồng chí !
Từ khi chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến khi kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở nhiều nơi tại các tỉnh trong Chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, trong đó trực tiếp ở tại Tuyên Quang trong khoảng thời gian gần 6 năm. Các thế hệ đảng viên và nhân dân các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng luôn mãi tự hào được sống trên mảnh đất từng in dấu chân vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và luôn khắc sâu những lời Bác dạy. Đất nước thống nhất, non sông liền một dải, cùng với cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Tuyên Quang luôn nỗ lực, cố gắng, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học“Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhằm bổ sung, làm rõ thêm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động tại Tuyên Quang, làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược và những quyết sách của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.
Thay mặt Tỉnh ủy Tuyên Quang, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh bạn, các vị đại biểu khách quý, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Sự quan tâm, tham gia của các đồng chí là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.
Với ý nghĩa đó, tôi xin khai mạc Hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Xin trân trọng cảm ơn !