Nâng tầm vị thế Tuyên Quang thời kỳ hội nhập và phát triển

Năm 2019 đã đến trong niềm hân hoan của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trước những đổi thay, phát triển không ngừng của quê hương, đất nước.

Năm 2018 khép lại với niềm vui lớn tỉnh ta hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,04%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với năm 2017; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,15% so với năm 2017; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 104% dự toán, tăng 7,4% so với năm 2017; tạo việc làm cho 22.395 lao động, đạt 112% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,32% xuống còn 15,38%...


Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra dây chuyền sản xuất  tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang (tháng 9-2018).

Nhìn tổng quát, liên tiếp trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chúng ta đều hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm, đúng lộ trình Nghị quyết đề ra, tạo thế và lực để Tuyên Quang vững bước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đạt được kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong sản xuất công nghiệp, đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp, tiếp tục thu hút các dự án mới, nâng cao giá trị sản xuất, để công nghiệp thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy hiệu quả của chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục nâng cao hiệu quả các vùng chuyên canh với những sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao... Một số sản phẩm nông nghiệp như cam, chè, cá đặc sản đã và đang vươn tới những thị trường lớn trong nước và nước ngoài. Nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa được triển khai hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.

Thành quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được giữ vững và phát huy. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta trồng mới trên 11 nghìn ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%, là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Toàn tỉnh đã có khoảng 19 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, tăng giá trị gỗ rừng trồng từ 15% - 20%. Đây là tiền đề quan trọng để từng bước xây dựng Tuyên Quang trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. 

Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, toàn tỉnh đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 13 tiêu chí. Phát huy những kết quả đã đạt được trong xây dựng hạ tầng nông thôn, tỉnh ban hành chính sách và thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đến nay đã kiên cố hóa 505,8 km kênh mương, bê tông hóa 246 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng 434 nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân, mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa và tạo không gian sinh hoạt cộng đồng.

Du lịch tiếp tục khởi sắc, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2018 thu hút trên 1,7 triệu lượt khách du lịch, đạt 102% kế hoạch, tăng 7,7% so với năm 2017; doanh thu xã hội về du lịch đạt 1.504 tỷ đồng. Một số dự án phát triển du lịch đang được triển khai tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch Na Hang - Lâm Bình; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tiền đề quan trọng cho du lịch tỉnh nhà phát triển. Biểu trưng, khẩu hiệu và các sản phẩm lưu niệm du lịch của Tuyên Quang vừa được công bố, tạo tính chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động du lịch và công tác tuyên truyền, quảng bá. Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được xếp hạng danh thắng Quốc gia đặc biệt khẳng định thêm vị thế Tuyên Quang trên bản đồ du lịch cả nước.

Với tinh thần xây dựng môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư, khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong các thành phần kinh tế, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp triển khai các dự án lớn vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đến nay đã có gần 1.500 doanh nghiệp, tăng hơn 28% so với năm 2016.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, hoàn thành xây dựng cầu Bình Ca; tiếp tục xây dựng cầu Tình Húc, đường dọc 2 bờ sông Lô, triển khai các bước thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các dự án, công trình quan trọng khác). Cùng với đó, triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng thành phố Tuyên Quang theo tiêu chí đô thị loại II và xây dựng các đô thị trong tỉnh.

Văn hóa - xã hội luôn được quan tâm, phát triển hài hòa với tăng trưởng kinh tế. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; duy trì và giữ vững thành quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia đảm bảo an toàn, nghiêm túc, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt cao. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được chăm lo với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân từng bước được nâng lên; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97%, trong đó các đối tượng chính sách được chú trọng. Trong điều kiện còn khó khăn, tỉnh đã chủ động giải quyết bổ sung đất ở nhằm từng bước ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và các thành viên Đoàn công tác thăm vườn cam của Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp tỉnh Oita, Nhật Bản (tháng 5-2018).

Hoạt động đối ngoại của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ công tác công an; những vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo tại một số địa bàn được xử lý kiên quyết, kịp thời, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; phân công cấp ủy viên, cán bộ, công chức tham gia dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, tạo mối liên hệ mật thiết với nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, 7, 8 (khóa XII), gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị theo lộ trình. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến, bảo đảm linh hoạt, chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững; một số lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ thu cân đối ngân sách trên tổng chi đạt còn thấp. Cải cách hành chính chưa đồng bộ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có mặt còn  hạn chế, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt thấp, đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội... Tình hình an ninh dân tộc, tôn giáo có lúc, có nơi còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị chưa thực sự tinh gọn. Cùng với đó, có những khó khăn khách quan như nguồn vốn đầu tư công hạn chế, thị trường có những bất ổn, những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2019 là năm “nước rút” có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư và các thủ tục bảo đảm tiến độ các công trình, dự án. Thu hút và triển khai các dự án mới, ưu tiên các dự án có hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu ngân sách lớn, giải quyết nhiều việc làm không ảnh hưởng đến môi trường. Nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện hoàn thành kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019. 

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm. Thực hiện chương trình mỗi huyện phát triển từ 1 đến 2 sản phẩm, mỗi xã phát triển 1 sản phẩm có hiệu quả kinh tế. Huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản. Tích cực triển khai các đề án phát triển nông, lâm nghiệp, tăng nhanh diện tích rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, các dự án phát triển du lịch, dịch vụ tại các huyện, thành phố. Chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Danh thắng Quốc gia Na Hang, Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) - Vườn Quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng thứ bậc chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện các dự án, nhất là các dự án lớn. Tích cực thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; triển khai các bước Dự án đường cao tốc kết nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Tình Húc, tuyến đường dọc hai bờ sông Lô và các công trình trọng điểm. Tăng cường bồi dưỡng, quản lý nguồn thu, chống thất thu, nợ thuế, phấn đấu thu vượt dự toán, nhất là thu cân đối ngân sách.

Quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện hiệu quả việc huy động trẻ đi nhà trẻ. Nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chương trình lao động, việc làm, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội... Thực hiện kế hoạch giảm nghèo đa chiều, nâng cao thu nhập và đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đi đôi với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trọng tâm là tổ chức tốt Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2019. Tiếp tục đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội; nắm chắc tình hình, ngăn chặn kịp thời các hoạt động tôn giáo trái phép. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI; XII), các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8 (khóa XII). Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên... Tiếp tục sắp xếp một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn; sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp xã; các thôn, bản, tổ dân phố. Sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chủ động, linh hoạt điều hành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Một nhiệm vụ quan trọng trong năm tới là chúng ta phải chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ.

Bước sang năm mới với khát vọng và niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhân dịp năm mới 2019, xin gửi tới các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, những người con quê hương Tuyên Quang đang sinh sống, làm việc trong nước và nước ngoài lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, năm mới giành nhiều thắng lợi mới.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục