Hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh góp phần vào việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, địa danh và con người giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, địa phương có lợi thế về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp. Tỉnh nằm sâu trong nội địa, chưa có sân bay, đường cao tốc, đường sắt; không có cảng biển và cửa khẩu, do đó không có nhiều thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào tỉnh nói chung và từng địa phương trên địa bàn tỉnh nói riêng thì yếu tố con người giữ vai trò quyết định.

Từ năm 2013 trở về trước việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi giải quyết công việc liên quan đến huyện, thành phố, sở, ngành của tỉnh (DCI) ở địa phương cũng chưa nhận được sự quan tâm quyết liệt của các cấp, các ngành, do đó tỉnh được xếp thứ hạng năng lực canh tranh rất thấp. Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần đó là: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Tính trung bình của 10 chỉ số với thang điểm 100 thì chỉ số PCI năm 2013 của tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.  

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy; chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, tập trung thực hiện những giải pháp nhằm nâng cao từng chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PCI. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính, định kỳ tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” để lắng nghe, nắm bắt tình hình của nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án Xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh và kế hoạch khảo sát đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư và kinh doanh của cấp huyện, thành phố và các sở, ngành tỉnh Tuyên Quang, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện khảo sát và công bố kết quả cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi giải quyết công việc liên quan đến huyện, thành phố, sở, ngành của tỉnh (DCI). Đây là cơ sở để các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ làm việc của các cán bộ, công chức trong việc phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thúc đẩy phát triển phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức được vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh góp phần quan trọng vào nâng cao chỉ số PCI và chỉ số DCI, trong các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các năm 2014, 2015, 2016, 2017 của HĐND tỉnh đều đưa những giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh vào nghị quyết để UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn thực hiện. Trong các kỳ họp và giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh các đại biểu thực hiện chức năng giám sát về những nội dung liên quan đến các chỉ số cạnh tranh như: Tập trung thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, quản lý đất đai ... Giữa 2 kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hoạt động giải trình về việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân về lĩnh vực đất đai. Năm 2017, Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh...Hoạt động của Hội đồng nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ số PCI tăng dần theo từng năm: Năm 2014 thứ tự xếp hạng PCI từ thứ hạng 63 lên 50, tăng 13 bậc, điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố với 6,22 điểm; năm 2015, chỉ số PCI tăng bậc xếp thứ 48, tăng 1,61 điểm; năm 2016, xếp thứ 45/63 tỉnh thành (tăng 0,62 điểm); năm 2017 xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố, từ đó đã góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư vào tỉnh. Tính đến ngày 30/10/2018; tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.487 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 14.274,1 tỷ đồng. Tỉnh đã đón nhiều nhà đầu tư lớn vào đầu tư tại tỉnh như Tập đoàn Vingroup đầu tư khu trung tâm dịch vụ, nhà, phố thương mại và triển khai dự án du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Tập đoàn Mường Thanh đầu tư và kinh doanh khách sạn 4 sao tại Tân Quang, thành phố Tuyên Quang; Tập đoàn dệt may Việt Nam đầu tư nhà máy; Tập đoàn DABACO đầu tư dự án cung cấp cây, con giống tại huyện Sơn Dương; Tập đoàn Woodland đầu tư nhà máy chế biến gỗ tại Thành phố Tuyên Quang và Yên Sơn...Nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đang khảo sát và nghiên cứu để đầu tư vào tỉnh trong thời giam tới.

Để tiếp tục góp phần vào nâng cao chỉ số PCI, chỉ số DCI của địa phương trong thời gian tới Hội đồng nhân nhân dân các cấp ở địa phương tiếp tục phát huy vai trò quyết định và giám sát việc thực hiện những nội dung liên quan đến các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi giải quyết công việc liên quan đến huyện, thành phố, sở, ngành của tỉnh (DCI) ở địa phương, như kịp thời ban hành các văn bản, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo thẩm quyền. Tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng đất, về công tác cải cách thủ tục hành chính. Phấn đấu tiếp tục giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến địa phương, cũng như tạo thuận lợi cho nhân dân thực hiện các giao dịch hành chính, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Ma Việt Dũng
Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục