Trong khi đó, việc tổ chức kỳ họp bất thường cũng có khó khăn nhất định như: Thời gian chuẩn bị, tổ chức cho kỳ họp tối thiểu cũng phải cần 15 ngày (trong đó có 7 ngày là thời gian từ khi triệu tập kỳ họp đến khi kỳ họp diễn ra theo quy định của Luật, 8 ngày còn lại là thực hiện các công việc chuẩn bị khác theo quy trình). Về kinh phí, các vấn đề không phát sinh cùng một lúc nên phải tổ chức nhiều kỳ họp bất thường; càng nhiều vấn đề phát sinh thì càng phải tổ chức nhiều kỳ họp bất thường; kinh phí sẽ tăng theo số lượng các kỳ họp; trong khi chúng ta đang thực hiện chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư và thông thường kinh phí hoạt động của HĐND đã được quyết nghị tại kỳ họp cuối năm trước, cần hết sức hạn chế việc bổ sung kinh phí phát sinh. Cùng với đó, cũng cần phải tính đến hiệu ứng của xã hội đối với việc HĐND tổ chức quá nhiều kỳ họp trong năm, nhất là những kỳ họp bất thường mà nội dung không phải là vấn đề lớn, quan trọng...
Khắc phục việc này, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND một số tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động, trong đó có nội dung ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết một số việc cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐND phát sinh giữa 2 kỳ họp và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Theo cách thức này, thời gian giải quyết chỉ mất 1 hoặc 2 ngày, hiệu quả tăng lên, được đại biểu HĐND và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp đồng thuận cao.
Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND với tư cách là cơ quan Thường trực của HĐND. Luật cũng nên quy định HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND thực hiện một số việc thuộc thẩm quyền của HĐND phát sinh giữa 2 kỳ họp và giao UBTVQH hướng dẫn cụ thể vấn đề này bằng một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp.
Thực tế, cả về lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, quyền lực của cơ quan hành pháp địa phương cần phải được kiểm soát chặt chẽ bởi quyền lực của HĐND địa phương. Thực sự hiện nay, HĐND, các đại biểu HĐND chưa làm thật tốt nhiệm vụ của mình với vai trò cơ quan giám sát, kiểm soát quyền lực ở địa phương. Do quá ít đại biểu chuyên trách (thường thì cấp tỉnh có 9 - 11 đại biểu, cấp huyện có 4 - 5 đại biểu). Vì vậy, hoạt động của HĐND có nơi, có lúc rơi vào hình thức, chiếu lệ, đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới thiếu nghiêm minh, kém hiệu quả trong kỷ cương, trong hành động của hệ thống chính quyền. Do vậy, việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND và một Phó Trưởng ban của HĐND là không thực tiễn.
Khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nên giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và lãnh đạo các Ban của HĐND như hiện nay. Mặc khác, cần cơ cấu hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp theo hướng tinh gọn, giảm mạnh số lượng đại biểu HĐND các cấp đi đôi với tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm. Việc này vừa tạo điều kiện để đại biểu HĐND toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu; vừa là giải pháp khắc phục có hiệu quả tình trạng e ngại, nể nang trong thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát tại kỳ họp thông qua hoạt động chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn.