Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Nghị sĩ Gabriele Katzmarek, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Đức - ASEAN.
Đoàn do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Nghị viện Châu Âu, làm Trưởng đoàn.
Tại Frankfurt, Đoàn đã làm việc với Bộ trưởng Văn hoá, Giáo dục và Cơ hội bang Hesse, Armin Schwarz. Hai bên đã tích cực trao đổi về những kinh nghiệm quý báu trong phát triển giáo dục. Bộ trưởng Armin Schwarz giới thiệu với Đoàn công tác các mô hình giáo dục tiên tiến mà bang Hesse đang áp dụng, trong đó có dự án DigitalTruck (Chiếc xe kỹ thuật số). Bộ trưởng Scharz cũng chia sẻ với Đoàn công tác về các chương trình dạy tiếng Đức cho người nhập cư, trong đó có người Việt.
Phát biểu thay mặt Đoàn công tác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu của Việt Nam và việc giáo dục thế hệ trẻ rất được Việt Nam coi trọng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công cuộc Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước. Ông cũng khẳng định mong muốn của Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Đức trong lĩnh vực giáo dục vì Đức có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu châu Âu. Đoàn công tác của Quốc hội đặc biệt chú ý và ghi nhận sự thành công và hiệu quả cao của mô hình DigitalTruck.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung cùng Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Văn hoá, Giáo dục và Cơ hội bang Hesse, Armin Schwarz, tại Frankfurt.
Tại Berlin, Đoàn công tác đã làm việc với Tiến sĩ Georg Kleemann, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Liên bang (Thượng viện Đức) để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác lập pháp và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển.
Tại cuộc gặp, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ vui mừng trước sự phát triển rất tốt đẹp của quan hệ song phương Việt Nam - Đức trong thời gian qua, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 2025. Đồng chí đề nghị hai bên tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân, đồng thời tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác sẵn có.
Đồng chí mong muốn phía Đức tiếp tục ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; Quốc hội Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), mở thêm cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam - Đức; phía Đức có tiếng nói thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm dỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với thuỷ sản Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính, công nghệ để thực hiện chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghị sĩ Gabriele Katzmarek nhất trí với các đề nghị của Đoàn công tác, đồng thời mong muốn hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác lao động, dạy nghề, đặc biệt trong bối cảnh nước Đức đang thiếu lao động nghiêm trọng. Bà cũng cho biết, các đối tác Đức đánh giá rất cao các điều dưỡng viên Việt Nam hiện đang làm việc trong ngành chăm sóc sức khoẻ Đức.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung cùng Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Thay mặt Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã cập nhật tình hình chính trị, kinh tế-xã hội trong nước và các nội dung chính, trọng tâm trong việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Đại sứ Việt Nam tại Đức, Vũ Quang Minh đề cập với các đại biểu Quốc hội trong Đoàn công tác, về những vướng mắc về mặt pháp lý trong việc xin trở lại Quốc tịch Việt Nam của một số kiều bào gốc Việt. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để hỗ trợ kiều bào, tạo điều kiện cho kiều bào tại Đức đầu tư về Việt Nam và có thêm nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước.