Toàn cảnh hội nghị.
Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Ma Thế Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh đến điểm cầu các huyện với gần 1.200 đại biểu tham dự.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại.
Nhiều nội dung, nhóm vấn đề được kiến nghị
Tại hội nghị, đội ngũ cán bộ mặt trận, lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện, cấp xã và đại diện các tầng lớp đã trực tiếp đặt câu hỏi, đề xuất các vấn đề về giải pháp để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với lao động đã được đào tạo và được cấp chứng chỉ nghề; việc giải quyết dứt điểm phần đất lâm nghiệp của các Công ty Lâm nghiệp mà người dân đang sử dụng hoặc lấn chiếm trước khi trả lại cho địa phương; việc triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, cho người dân bị thu hồi đất tại các khu Công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”; việc kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh và việc xây dưng các khu xử lý chất thải tập trung lâu dài.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu tại hội nghị.
Các đại biểu bày tỏ lo ngại về các vấn đề trong xã hội như tình trạng tảo hôn, ly hôn có chiều hướng gia tăng; công tác tiếp dân, tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc sửa chữa, trùng tu, làm mới nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần bảo tồn gắn với phát triển du lịch cộng đồng; có cơ chế chi thù lao mời chuyên gia tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời đề nghị việc hỗ trợ các đối tượng là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố tham gia các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trực tiếp trao đổi, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Cán bộ Mặt trận Tổ quốc nêu ý kiến tại hội nghị.
Phát huy vai trò trung tâm khối đại đoàn kết
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh: Những vấn đề kiến nghị, trao đổi của các đại biểu là rất chính đáng và là những thông tin quý báu, gợi mở giúp lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành chỉ đạo, triển khai thực hiện trong lĩnh vực, ngành, địa phương mình.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ, các tổ chức thành viên. Chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận và các chủ trương về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và về công tác Mặt trận.
Đại biểu tại điểm cầu Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp thu đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu những vấn đề đã trao đổi, giải đáp tại Hội nghị; chủ động, nghiên cứu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cán bộ MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và Nhân dân theo thẩm quyền. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách bồi thường tái định cư, thu hồi đất và hỗ trợ người dân đào tạo nghề, chuyển đổi nghề khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đảm bảo đời sống của người bị thu hồi đất tái định cư tối thiểu phải bằng, phấn đấu tốt hơn nơi ở cũ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc...
Cùng với đó, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là giám sát việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đặc biệt là lựa chọn và giới thiệu cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên ưu tú tham gia cấp ủy các cấp, thực hiện tốt hoạt động giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và đảng viên trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực thi công vụ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phải lắng nghe Nhân dân để điều chỉnh chính sách, củng cố tổ chức, điều chỉnh chính mình; mọi việc làm đều hướng tới và vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để ban hành và triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho thiết thực, phù hợp