Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy phát biểu tiếp thu các góp ý của đại biểu. |
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi gồm 16 chương, 209 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ...
Các ý kiến đề nghị cần điều chỉnh về bố cục, từ ngữ, các điều, khoản chặt chẽ, hợp lý và rõ ràng và thống nhất với Luật Công an nhân dân. Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, tránh phát sinh vấn đề phức tạp. Đối với quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng các quyền của phạm nhân vì đây là đối tượng phải chấp hành hình phạt, bị hạn chế quyền tự do. Đối với việc thi hành án tử hình, các đại biểu băn khoăn với chi phí cao trong quá trình thi hành án, ngoài ra cần giãn thời gian nhận hài cốt phạm nhân từ 3 đến 5 năm. Bên canh đó, trong Luật cần có thêm các quy định về việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các trại giam; quy định về thông báo đến chính quyền địa phương đối với tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; bổ sung thêm các quy định về giam giữ riêng…
Một số ý kiến của cán bộ trại giam bày tỏ những khó khăn về cơ sở vật chất trong việc thăm khám, chăm sóc cho phạm nhân, nhất là phạm nhân có dấu hiệu tâm thần. Các cấp các ngành cần có các giải pháp phù hợp hơn nữa trong việc giúp đỡ các phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù để tái hòa nhập cộng đồng; cần trang bị thêm các thiết bị khoa học, kỹ thuật để kiểm tra quà của gia đình phạm nhân gửi đến thăm phạm nhân…
Thay mặt các đại biểu Quốc hội của tỉnh, đồng chí Ma Thị Thúy tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đây là cơ sở quan trọng để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7.