Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Đưa Tuyên Quang trở thành điển hình về quy mô kinh tế lâm nghiệp

Chiều 20-9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.


Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, trong những qua, tỉnh Tuyên Quang luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là động lực để Tuyên Quang thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí mong muốn, lãnh đạo Bộ và các cơ quan chuyên môn của Bộ hỗ trợ tỉnh mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới…

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư Dự án phát triển lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Dự kiến kinh phí đầu tư 80 tỷ đồng cho các hạng mục: Phát triển lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển giống cây lâm nghiệp; hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; xây dựng đường lâm nghiệp cho vùng nguyên liệu tập trung ở những đơn vị, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bộ bố trí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư theo Quyết định số 923/QĐ-TTg, ngày 28-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp như hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại (dự kiến kinh phí 10 tỷ đồng); hỗ trợ dự án xử lý cấp bách sạt lở, nứt dọc gần chân đê thuộc xã Sầm Dương (Sơn Dương), dự kiến kinh phí 235 tỷ đồng; xem xét Quyết định phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là đê cấp III; xây dựng mô hình liên kết gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại Tuyên Quang để hỗ trợ Dự án hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ xây dựng xã Thái Bình thành xã nông thôn kiểu mới; cho phép tỉnh áp dụng linh hoạt điểm c, khoản 1, Điều 2 Quyết định số 1920/QĐ-TTg, ngày 5-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh thông qua việc hợp nhất Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang với Ban điều phối Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh (Ban điều phối Dự án sử dụng vốn nước ngoài) nhằm tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài, lồng ghép với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Bộ bổ sung kinh phí thực hiện hoàn thành Dự án kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu Nhà máy thủy điện Tuyên Quang.


Đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Tuyên Quang đã phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng phát triển bền vững. Tỉnh đã có những bước đi phù hợp, do đó kinh tế không ngừng tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Đặc biệt, Tuyên Quang đã làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, là điển hình của cả nước về phát triển rừng trồng, thu hút được doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, tạo môi trường tốt cho các hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, trong thời gian tới tỉnh cần có đánh giá, tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, có chiến lược phát triển cụ thể để ứng dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất; đưa tỉnh trở thành điển hình về quy mô kinh tế lâm nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chú trọng các sản phẩm ngoài gỗ, dược liệu; chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp gắn với du lịch; xác định rõ cơ cấu, đối tượng sản phẩm; củng cố các tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Đồng chí Bộ trưởng nhất trí với các kiến nghị của tỉnh, sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ phải có trách nhiệm với Tuyên Quang, với xã Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương cách mạng ngày càng phát triển.

Trước buổi làm việc, Đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thành Công

Tin cùng chuyên mục