Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu tại hội nghị. |
Tích hợp Chương trình công tác toàn khóa
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; dự thảo Chương trình công tác toàn khóa của BCH Đảng bộ tỉnh; dự thảo Kế hoạch các công việc thực hiện Chương trình công tác toàn khóa của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nên hay không nên tích hợp Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Về nội dung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đã được các đại biểu thống nhất cao. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng đạt trên 8%; tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người đạt trên 64 triệu đồng; tổng sản phẩm GRDP đến năm 2030 đạt 75.000 tỷ đồng…
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận, không tích hợp Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; chỉ tích hợp Chương trình công tác toàn khóa và Kế hoạch các công việc thực hiện Chương trình công tác toàn khóa của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, không tách riêng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, không tích hợp Chương trình hành động để bảo đảm tổ chức thực hiện các nội dụng, mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra cụ thể hơn; phân định được trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị với từng nội dung, thời gian cụ thể thực hiện nghị quyết.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nông Thị Bích Huệ phát biểu tại hội nghị. |
Lâm nghiệp vẫn là ngành thu nhập thấp
Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 5 năm tới, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm, năng suất đạt 20m3/ha/năm, diện tích rừng gỗ lớn chiếm trên 45%, giá trị thu được bình quân 1ha rừng gỗ lớn/chu kỳ đạt trên 300 triệu đồng, 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững…
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh, rừng mang lại giá trị to lớn trong việc phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái nhưng giá trị trực tiếp mà rừng mang lại cho người dân vẫn chưa cao. Lâm nghiệp là ngành kinh tế thu nhập còn thấp so với nhiều ngành khác. Đây là bài toán hóc búa nhất cho phát triển lâm nghiệp, phải làm sao kinh tế lâm nghiệp đạt mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả. Do đó, phải có nhiều sản phẩm từ rừng, thực hiện tinh chế và sản xuất các sản phẩm cao cấp từ rừng (hiện giờ chủ yếu mới sản xuất sản phẩm thô) để mang lại giá trị gia tăng cao. Thời gian tới, tỉnh phải hạn chế sản xuất sản phẩm thô, làm cho năng suất gỗ cao hơn. Muốn làm được điều này, khoa học công nghệ phải vào cuộc, tạo cây giống có giá trị, năng suất cao. Bên cạnh đó, phát triển lâm sản ngoài gỗ như dược liệu, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, làm du lịch homestay, khai thác tiềm năng du lịch từ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, trồng rừng nhiều nhưng thu nhập của người trồng rừng còn rất thấp. Diện tích rừng trồng của người dân không lớn, chủ yếu dưới 1 ha, do đó yêu cầu tất yếu là nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Đồng chí nhất trí với các mục tiêu nghị quyết đề ra, tuy nhiên thực tiễn, cuộc sống của người trồng rừng còn khó khăn; chưa đa dạng các sản phẩm từ rừng; chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ rừng còn ít… Do đó, phải phát triển kinh tế lâm nghiệp tổng hợp để có thu nhập cao cho người dân bảo đảm hạn chế tình trạng phá rừng.
Trong thời gian tới, phải phát triển sản phẩm gỗ rừng trồng Tuyên Quang trở thành thương hiệu quốc gia. Đồng chí Bí thư nhấn mạnh, xây dựng tỉnh thành điển hình kinh tế lâm nghiệp của cả nước là phải làm cho thu nhập của người trồng rừng cao nhất cả nước, đây là yếu tố quan trọng nhất trong hành trình đưa Tuyên Quang trở thành cứ điểm rừng. Để thực hiện điều này, phải làm tốt khâu sản xuất cây giống, trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng, đẩy mạnh liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phải đẩy mạnh chăm sóc rừng trồng để mang lại năng suất, chất lượng cao hơn. Tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ về tỉnh để chế biến các sản phẩm, bảo đảm trở thành trung tâm chế biến gỗ của cả nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong thời gian tới, phải đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng. Đồng chí cho rằng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp, hạn chế giao cho cơ quan Nhà nước là yếu tố căn cốt để hoạt động nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả thiết thực với cuộc sống. Đồng thời, chuyển giao những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp, mang lại giá trị cao hơn cho người dân.
Hội nghị cũng cho ý kiến về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.