Đại biểu tham dự phiên giải trình.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; các vị đại biểu là Uỷ viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; Thường trực HĐND huyện, thành phố; lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Giải trình tại phiên họp có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Tham gia giải trình có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang, Trường Đại học Tân Trào, Chủ tịch UBND huyện, thành phố.
Phiên giải trình được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức theo quy định tại Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Việc chuẩn bị cho phiên giải trình được Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện chu đáo.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nêu nội dung yêu cầu giải trình.
Theo báo cáo của Đoàn khảo sát Thường trực HĐND tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn thực hiện 4.423.492 triệu đồng, kế hoạch vốn năm 2022, 2023 đã được phân bổ 1.501.251 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025: 503.457 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã phân bổ 272.822,0 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện 2 chương trình trên địa bàn tỉnh còn hạn chế: Việc ban hành văn bản thực hiện chương trình có nội dung chưa kịp thời; hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Giám sát, bộ máy giúp việc thực hiện Chương trình hiệu quả chưa cao; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình chưa chặt chẽ; công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả chưa cao; cơ chế huy động, phân bổ. lồng ghép và giao kế hoạch vốn để thực hiện chương trình chưa đảm bảo quy định; đặc biệt việc tổ chức triển khai thực hiện các công trình, dự án rất chậm so với yêu cầu. Đến ngày 30/5/2023 tỷ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 8,1%; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỷ lệ giải ngân đạt 2,4%.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu nội dung yêu cầu giải trình.
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, đã có 09 đại biểu HĐND tỉnh nêu yêu cầu giải trình, 05 lượt đại biểu tranh luận về vấn đề giải trình đối với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung vào việc tham mưu bố trí vốn đối ứng của tỉnh; ban hành quy định quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn; giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, chi trả dịch vụ môi trường rừng; triển khai các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và giải pháp để thực hiện đảm bảo hiệu quả từng nội dung, dự án, chương trình.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh giải trình tại phiên họp.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình tại phiên họp.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình tại phiên họp.
Trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã nghiêm túc giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu rõ những hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn tiếp thu, làm rõ một số nội dung liên quan tại phiên giải trình.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đại biểu HĐND tỉnh nêu tại phiên họp, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hạn chế cũng như đưa ra các giải pháp của UBND tỉnh nhằm khắc phục, thực hiện hiệu quả các chương trình. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, thẩm quyền có giải pháp cụ thể kịp thời khắc phục hạn chế, khó khăn, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp giải trình.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố có kế hoạch, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế tồn tại thuộc trách nhiệm của đơn vị, địa phương đã được chỉ ra trong phiên họp. Đồng chí nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại lợi ích to lớn cho người dân. Do vậy, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường sự phối hợp, nêu cao trách nhiệm để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia một các nhanh nhất, hiệu quả nhất; tiếp tục rà soát lại các nguyên nhân, vướng mắc để đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực hiện thành công, đầy đủ các dự án, các nội dung, mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong quá trình thực hiện cần bám sát các hướng dẫn của Trung ương, của các bộ, ngành, của tỉnh để thực hiện cho đúng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạm thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khi chưa có hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, linh hoạt tháo gỡ khó khăn trên cơ sở quy định pháp luật; giao trách nhiệm cho từng bộ phận, đơn vị và từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì lợi ích của Nhân dân. Giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục giám sát việc thực hiện của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.