Tăng cường trách nhiệm đại biểu dân cử trong tiếp dân

Tiếp công dân là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, được các cấp, các ngành tích cực thực hiện. Thế nhưng, việc nghiên cứu, sáng tạo và tổ chức thực hiện cho phù hợp từng ngành, từng địa phương rất cần thiết. Với trách nhiệm của mình, cơ quan dân cử địa phương phải tăng cường nghiên cứu, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Qua đó, tham gia tích cực, hiệu quả công tác tiếp dân nhằm ổn định xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Chức năng giám sát chưa được thể hiện đầy đủ

Định kỳ hàng tháng, lịch trình lãnh đạo địa phương trực tiếp tiếp công dân được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu rõ và chuẩn bị, thu xếp thời gian đến gặp gỡ phản ánh ý kiến, nguyện vọng của mình. Bộ phận phục vụ, tham mưu tiếp công dân tại trụ sở chuẩn bị những thông tin, tư liệu liên quan đến từng vụ việc; đồng thời, luôn bảo đảm điều kiện thuận lợi, thích ứng và an toàn trong quá trình tiếp công dân.


Đại biểu phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn gửi gắm đến cơ quan nhà nước.

Tại các buổi tiếp dân, lãnh đạo địa phương cơ bản giải quyết trực tiếp được những vụ việc nổi cộm, rõ ràng; còn lại yêu cầu các ngành liên quan tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý và trả lời cho người dân. Từ sự quyết liệt, trách nhiệm của cấp tỉnh đã tác động, lan tỏa đến các ngành, các cấp tích cực thực hiện những quy định, tổ chức tiếp dân nghiêm túc. Điều thấy rõ nhất là hầu hết những người đứng đầu địa phương, ngành trong điều kiện nhiều công việc và dịch bệnh nhưng vẫn thu xếp tiếp dân đều đặn. Kết quả tiếp dân đã giải quyết dứt điểm, thấu đáo một số vụ việc, người dân tin tưởng đối với chính quyền và các ngành liên quan. Từ đó, tình hình khiếu nại, tố cáo và đơn thư vượt cấp, tụ tập đông người đã giảm rõ rệt.

Mặc dù công tác tiếp công dân diễn ra đúng quy định và tổ chức sâu rộng, đem đến những kết quả bước đầu nhưng có nơi cũng còn những hạn chế, đôi lúc xử lý chưa triệt để; một số cơ quan chưa xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình trong giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người dân. Mặt khác, những buổi tiếp dân chung còn thiếu vắng một số ngành chuyên môn để giải quyết vụ việc cụ thể, nên kết quả vẫn còn dừng lại ở ghi nhận, tiếp thu chuyển đến các ngành liên quan giải quyết, nên người dân còn nhiều băn khoăn, thắc mắc. Hơn nữa, việc vào vai của cơ quan chỉ đạo, cơ quan thực hiện chưa rõ trách nhiệm, thiếu sự phối hợp; nhất là chức năng giám sát của cơ quan dân cử địa phương chưa thể hiện đầy đủ và hết trách nhiệm.

Nắm chắc thông tin, có ý kiến xác đáng

Với chức năng giám sát theo luật định, đại biểu HĐND, trước hết đại biểu chuyên trách, Thường trực, Ban Pháp chế HĐND cần tăng cường giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong những cuộc tiếp dân chung của lãnh đạo địa phương, đại diện Thường trực HĐND tham gia, vừa tiếp dân vừa để giám sát công tác tiếp công dân, nhưng chức năng đại biểu dân cử giám sát việc tiếp dân đối với cơ quan liên quan là chính. Điều đáng nói ở đây là trong cuộc tiếp dân chung, các cơ quan không nên có ý kiến khác nhau trước người dân. Bởi vậy, trước lúc vào việc, lãnh đạo các cơ quan nên nghiên cứu kỹ đối tượng, nội dung khiếu nại, tố cáo. Thường trực HĐND nắm chắc thông tin và có ý kiến xác đáng, cần lường trước những tình huống có thể phát sinh để thống nhất giải quyết. Thường trực HĐND chọn lọc những ý kiến của người dân, tổng hợp vào báo cáo kiến nghị của cử tri tại kỳ họp để các ngành liên quan trả lời và đại biểu HĐND làm tư liệu chất vấn, hay thảo luận tại nghị trường.

Quá trình hoạt động, Thường trực HĐND chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan của mình nắm chắc tình hình, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong các tầng lớp dân cư. Trong công tác TXCT, gặp gỡ, gần gũi với nhân dân, đại biểu phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn gửi gắm đến cơ quan nhà nước. Bởi những nội dung chủ yếu được nêu tại buổi tiếp dân đều xuất phát từ tình hình cụ thể từng nơi, từng khu vực, từng điểm TXCT. Đại biểu HĐND có trách nhiệm tuyên truyền, giải trình, xử lý tốt một số vấn đề trong những lần TXCT sẽ làm giảm rất nhiều khối lượng vụ việc dồn đến trụ sở tiếp công dân, góp phần quan trọng giảm dần công việc của lãnh đạo địa phương trong công tác tiếp dân.

Điều cốt yếu, các cơ quan tham gia tiếp dân, nhất là những ngành chuyên môn liên quan nhiều đến người dân cần nghiên cứu kỹ đơn thư, đồng thời quan tâm đến nội dung liên quan trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND. Từ đó, chủ động, chuẩn bị xử lý và có thể giải quyết tốt một số vụ việc ngay tại buổi tiếp công dân. Bộ phận phục vụ công tác tiếp dân tại trụ sở cần tích cực tổng hợp, phân tích những đơn thư của người dân gửi đến lãnh đạo qua trụ sở tiếp công dân. Đồng thời, nghiên cứu Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp HĐND, chú ý những nội dung các ngành liên quan trả lời ý kiến của cử tri, nhất là trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp.

Qua những thông tin thu nhận được và kinh nghiệm chuyên nghiệp, chuẩn bị những vấn đề cần thiết giúp lãnh đạo tiếp công dân tự tin quyết định, kết luận chính xác được nhiều vụ việc ngay tại buổi tiếp dân, tạo lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục