Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Xác định vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, các ĐBQH luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, qua đó đã thu thập và phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trong hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT), ngoài việc tổ chức TXCT định kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức các hội nghị TXCT theo nhóm đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đoàn đã tổ chức 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với việc lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo văn bản luật gồm: Tiếp xúc cử tri chuyên đề tại trường Đại học Tân Trào và lấy ý kiến thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; TXCT chuyên đề với ngành công an gắn với việc lấy ý kiến tham gia, góp ý vào dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Qua đó, giúp các ĐBQH lắng nghe tiếng nói của cử tri một cách đa dạng, nhiều chiều hơn và sát với thực tiễn cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, Đoàn ĐBQH đã tổng hợp, phân loại và chuyển 76 ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 5 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết (trong đó chuyển tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội 27 ý kiến; chuyển UBND tỉnh 17 ý kiến; chuyển tới UBND các huyện, thành phố 32 ý kiến).
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy thăm hỏi bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Na Hang trong đợt giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. |
Hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng còn được Đoàn ĐBQH tỉnh triển khai thông qua các chương trình giám sát, khảo sát có hiệu quả. Điểm mới trong hoạt động này là thay vì giám sát dàn trải, nhiều nội dung cùng một thời điểm, đoàn chỉ lựa chọn giám sát những vấn đề thiết thực, được nhiều cử tri quan tâm để tiến hành giám sát tại nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh, qua đó làm rõ từng vấn đề, phát hiện, đánh giá được mặt mạnh, điểm còn hạn chế trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật để kiến nghị với tỉnh và Trung ương.
Từ đầu năm đến nay, Đoàn đã thực hiện 4 cuộc giám sát gồm: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang theo Quyết định số 1766/QĐ-TTg, ngày 10/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2015-2017 trên địa bàn.
Thông qua giám sát việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho thấy, tỉnh đã khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung theo mục tiêu dự án, trong đó đã ưu tiên đầu tư các hạng mục: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho số hộ điều chỉnh bổ sung; đầu tư tạo quỹ đất sản xuất giao bổ sung cho hộ tái định cư; đầu tư hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề; hỗ trợ khác để ổn định đời sống phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu, điểm tái định cư.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu vốn đầu tư do bố trí vốn hàng năm quá thấp so nhu với cầu và dự án được phê duyệt nên rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất và ổn định đời sống cho các hộ dân và các công trình hạ tầng thiết yếu. Đoàn ĐBQH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khẩn trương cân đối, bố trí vốn đầu tư còn lại của dự án để tỉnh tiếp tục thực hiện các nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang, ổn định cuộc sống đồng bào tái định cư.
Hay như mới đây, qua hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn nhiều bất cập như: Việc lập danh sách người tham gia BHYT ở một số xã còn chậm; số người tham gia BHYT tự nguyện còn ít. Hiện tượng chỉ định thuốc, xét nghiệm quá mức cần thiết vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh; tình trạng vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế diễn ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh... Đoàn đã có những kiến nghị để các ngành chức năng của tỉnh có các giải pháp khắc phục những bất cập, đồng thời xem xét để có những kiến nghị với Trung ương để có những sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về BHYT phù hợp hơn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy chia sẻ: Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa ĐBQH với nhân dân, lắng nghe, nắm bắt đầy đủ, hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thông qua việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri; xây dựng chương trình và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh; tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư của công dân theo quy định của pháp luật…