Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến một số nội dung trình tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII

Ngày 26/11/2019, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh họp, cho ý kiến đối với một số nội dung, tài liệu trình tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Kim Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Văn Toán, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVIII qua báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và báo cáo Thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh. Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu dự phiên họp đã thảo luận làm rõ kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua đó cho thấy, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn chủ động, tích cực giải quyết, nhiều kiến nghị phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng được UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo, tìm cách tháo gỡ. Đối với những kiến nghị chưa thể giải quyết dứt điểm ngay được UBND tỉnh trả lời khá rõ. Công tác giải quyết các kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến, sát tình hình thực tế, cơ bản đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 200/200 ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được xem xét, giải quyết và trả lời, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, 71/200 ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết xong, chiếm tỷ lệ 35,5% ; 92/200 ý kiến, kiến nghị đang được xem xét giải quyết và đã có lộ trình giải quyết, chiếm tỷ lệ 46% (trong đó có 76 ý kiến, kiến nghị đang được xem xét, giải quyết; 16 ý kiến có lộ trình giải quyết); 37/200 ý kiến, kiến nghị được UBND tỉnh tiếp thu nhưng chưa giải quyết được do khó khăn về nguồn lực, chiếm tỷ lệ 18,5%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng còn một số hạn chế như: Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, huyện, thành phố trực tiếp tiếp thu, giải đáp tại buổi TXCT, nhưng sau đó chưa được quan tâm giải quyết theo thẩm quyền; tiến độ giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm, một số kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm; một số kiến nghị đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, tuy nhiên kết quả giải quyết chuyển biến chậm; việc phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chuyên môn với UBND huyện, thành phố chưa chặt chẽ, chưa rõ trách nhiệm nên không giải quyết dứt điểm; cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục kiến nghị qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri...

Kết luận về nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh đồng thời đề nghị UBND tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo thẩm tra. Thường trực HĐND tỉnh giao Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh trên cơ sở báo cáo thẩm tra và các ý kiến phát biểu của đại biểu dự hội nghị, xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó cần đánh giá đầy đủ những nỗ lực của UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Xác định cụ thể những kiến nghị chưa được giải quyết, chậm giải quyết trên từng lĩnh vực và trách nhiệm theo thẩm quyền của từng cấp, từng địa phương; từ đó kiến nghị biện pháp và thời hạn giải quyết phù hợp.

Tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã nghe và cho ý kiến đối với: Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2015 đến 2018. Qua giám sát trực tiếp tại UBND tỉnh, UBND 04 huyện, thành phố, 13 xã, phường, 15 doanh nghiệp, hợp tác xã và một số sở, ngành liên quan cho thấy UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã kịp thời tiếp thu chỉ đạo giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư của công dân (giai đoạn 2015-2018, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận 42 ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh). Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, sâu sát, hiệu quả hơn. Nhiều ý kiến, kiến nghị về các vụ việc cụ thể đã được các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tích cực giải quyết, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến, kiến nghị của cử tri hiện nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hiệu quả; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn có nhiều hạn chế; một số doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, chế biến, vận chuyển, sử dụng khoáng sản chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc thi hành án hình sự và dân sự từ năm 2017 đến hết năm 2018. Qua giám sát tại các cơ quan tư pháp và UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cho thấy: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án hình sự và dân sự trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Công tác thi hành án hình sự đã có đóng góp quan trọng nhằm bảo đảm hiệu lực các bản án, quyết định của Tòa án, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh. Công tác thi hành án dân sự đã đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, còn có một số tồn tại, hạn chế như: Việc tuân thủ quy định pháp luật trong công tác thi hành án hình sự có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ có lúc, có nơi chưa sát sao, thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa được quan tâm thực hiện. Việc chấp hành pháp luật về công tác thi hành án dân sự đối với vụ việc có điều kiện thi hành án trên tổng số vụ việc thụ lý chưa cao, số tiền chưa thi hành còn lớn; công tác tổ chức thi hành án có lúc, có việc chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; công tác chỉ đạo thực hiện thi hành án đối với một số vụ việc phức tạp còn chậm, thời gian kéo dài, chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên.

 Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014 - 2019. Qua giám sát trực tiếp tại Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND 06 huyện, thành phố; 12 xã, phường, thị trấn và qua báo cáo của các sở, ngành liên quan và một số xã cho thấy: Việc phát triển giáo dục mầm non được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm lãm đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; tập trung giải pháp để huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Thực hiện sắp các điểm trường mầm non công lập theo hướng thu gọn đầu mối để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bố trí giáo viên, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được chú trọng thực hiện. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, nhà công vụ cho giáo viên mầm non được quan tâm đầu tư;  đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ học mầm non ngoài công lập của tỉnh thấp so với bình quân của cả nước và các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, nhà công vụ cho giáo viên mầm non chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng; công tác quản lý giáo dục còn hạn chế, bất cập; vẫn còn lãnh đạo quản lý, giáo viên mầm non vi phạm đạo đức nhà giáo, quy định của pháp luật phải thi hành kỷ luật. Việc chi trả chế độ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho giáo viên và học sinh còn bất cập, có nơi chưa đúng quy định.

Kết luận phần thảo luận các báo cáo giám sát, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong các báo cáo giám sát cần đánh giá đúng, khách quan, sát thực tế đối với ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế đó; yêu cầu các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo để nêu các vấn đề thảo luận tại kỳ họp thứ 9.

Hoàng Linh

Tin cùng chuyên mục