Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý Luật Giám định tư pháp (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 25-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp ý vào một số nội dung của dự án luật này.

Đại biểu bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp. Đại biểu tán thành với việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.

Đại biểu cho rằng, theo quy định của pháp luật các nước, chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, truy tố và xét xử) mới có quyền trưng cầu giám định tư pháp cả trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thông thường trong án hình sự thì việc trưng cầu giám định chủ yếu do cơ quan điều tra thực hiện. Ở Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành, Viện KSND thực hiện chức năng điều tra, cũng là cơ quan có thẩm quyền tham gia hoạt động tố tụng. Vì vậy, quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao” là hợp pháp, hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.


Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy phtá biểu tại phiên thảo luận.

Về quy định tổ chức giam định tư pháp ngoài công lập, theo đại biểu, hiện nay chưa có quy định cụ thể chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các tổ chức, văn phòng giám định tư pháp tư nhân. Nghị định số 85/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ đề cập đến việc hướng dẫn thi hành chi tiết tổ chức giám định tư pháp công lập.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo cần tổng kết thi hành việc thành lập tổ chức giám định tư pháp tư nhân ở nước ta hiện nay; bổ sung các quy định về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các tổ chức, văn phòng giám định tư pháp tư nhân về thủ tục thành lập, thuế, đất đai và đào tạo bồi dưỡng giám định viên tư pháp tư nhân trong dự thảo luật này.

 Về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán nhà nước, đại biểu cho rằng việc bổ sung nhiệm vụ giám định cho kiểm toán nhà nước là không cần thiết. Đại biểu nêu quan điểm, Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 không quy định kiểm toán nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp. Việc giám định tư pháp phải được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước mà kiểm toán nhà nước không có chức năng quản lý nhà nước, nên việc bổ sung nhiệm vụ giám định cho kiểm toán nhà nước trong dự thảo luật này là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của kiểm toán nhà nước và không đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Hiện nay, việc thực hiện giám định đang được thực hiện tại các cơ quan, bộ, ngành, địa phương rất tốt. Các bộ, ngành, địa phương đã được trang bị đầy đủ về con người, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ này. Việc thực hiện nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương cũng không bị quá tải.

Về áp dụng quy định trưng cầu giám định của cơ quan thanh tra, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng việc quy định nội dung này tại Điều 2 dự thảo luật bổ sung là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung này vào Điều 46 Luật Giám định tư pháp năm 2012. Theo đó, giao các cơ quan quy định chi tiết về vấn đề giám định phục vụ hoạt động thanh tra cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thay vì quy định tại Điều 2 của dự thảo luật hiện nay, vừa không đảm bảo sự thống nhất về phạm vi điều chỉnh, vừa không bảo đảm logic về nội dung.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục