Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Chiều 22.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, với tỷ lệ 89,23% số ĐBQH tham gia tán thành.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội thông qua.

Các đơn vị cấp vụ không bổ nhiệm quá 3 phó

Về việc giao Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm mô hình đổi mới tổ chức bộ máy (tại khoản 10 Điều 23), UBTVQH thấy rằng, tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Vì vậy, việc thí điểm mô hình mới đối với các tổ chức này, dù không quy định trong Luật, Chính phủ vẫn có thể tiến hành thí điểm để sơ kết, tổng kết trước khi nhân rộng, thực hiện đại trà. UBTVQH đề nghị được tiếp thu theo nhiều ý kiến của ĐBQH là không quy định thẩm quyền này của Chính phủ tại dự thảo Luật trình QH xem xét thông qua, để tránh trùng lặp.


Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Lâm Hiển

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập, UBTVQH đề nghị, quy định theo hướng bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị. Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4 người (tại khoản 2 Điều 40 của Luật Tổ chức Chính phủ).

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, để khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu giữa số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với số lượng công chức thực thi, thừa hành, trong thời gian qua, Đảng đã có chủ trương giảm số lượng cấp phó và khoán số lượng cấp phó tối đa phù hợp với quy mô của tổ chức. Theo đó, căn cứ vào đầu mối tổ chức trực thuộc và số biên chế được giao, cấp có thẩm quyền sẽ quyết định tổng số lượng cấp phó tối đa của một cơ quan, nhưng không vượt quá mức trần được giao, làm cơ sở để người đứng đầu quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng đơn vị cho phù hợp với tính chất và yêu cầu công việc. Thực hiện chủ trương của Đảng, một số cơ quan đã thực hiện việc khoán số lượng cấp phó.

Do vậy, UBTVQH xin QH cho giữ cụm từ “bảo đảm bình quân” để thể hiện đúng tinh thần khoán cấp phó.

Tạo cơ sở pháp lý đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, UBTVQH thấy rằng,trong quá trình tổng kết Hiến pháp năm 1992 và các luật có liên quan để xây dựng Hiến pháp năm 2013, Đảng, Quốc hội đều đã nhận thấy mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, còn cồng kềnh, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, chưa có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Trong khi đó, tại thời điểm thông qua Hiến pháp năm 2013, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa hoàn thành việc tổng kết toàn diện kết quả triển khai Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Vì vậy, để dự liệu trước và tạo độ mở cho việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

Như vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương” là hai thuật ngữ khác nhau. Ở tất cả các đơn vị hành chính đều có chính quyền địa phương nhưng không phải mỗi đơn vị hành chính là một cấp chính quyền. Cấp chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ở đâu được coi là cấp chính quyền địa phương thì chính quyền ở đó gồm HĐND và UBND, UBND do HĐND cùng cấp bầu ra; còn ở đâu không được coi là cấp chính quyền địa phương thì sẽ có cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và dịch vụ công tại địa bàn. Cùng với các quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX của Hiến pháp, khoản 6 Điều 70 của Hiến pháp đã giao Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Như vậy, việc quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung hoặc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị khác với luật là trong thẩm quyền của Quốc hội. 

Hiện nay, nhu cầu cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo đang trở nên bức thiết. Để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra nhiệm vụ “tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện”. Việc Bộ Chính trị phê duyệt Đề án thí điểm quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình và việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ Tám này cũng cho thấy nhu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương là thực sự cần thiết và có cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở thực tiễn.

Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các điều 4, 44, 58 và 72 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại theo hướng: Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Cấp chính quyền địa phương ở quận, phường gồm có HĐND quận,phường và UBND quận, phường.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, do chưa có sự cách biệt lớn về tỷ lệ lựa chọn giữa hai phương án được UBTVQH xin ý kiến các ĐBQH, nhưng đều thống nhất đề nghị trong lãnh đạo HĐND cấp tỉnh nên duy trì tối thiểu là 2 đại biểu hoạt động chuyên trách để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND trong điều kiện đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương hiện nay.

Do vậy, để thống nhất trong việc thiết kế các quy định về số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như sau: nếu Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách.

Với các quy định nêu trên, theo Báo cáo của UBTVQH, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không bị giảm đồng loạt số lượng cấp phó mà tùy thuộc vào việc bố trí đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở địa phương đó, trong bất kỳ trường hợp nào thì HĐND và Ban của HĐND cấp tỉnh vẫn được bố trí 2 vị trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều bố trí chức danh Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm (Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm), còn Trưởng ban của HĐND cũng đa số hoạt động kiêm nhiệm, rất ít địa phương bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách.

Vì vậy, quy định về số lượng cấp phó của HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh như dự thảo Luật sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí cán bộ mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và các Ban của HĐND. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì vẫn có thể giảm được cấp phó theo chủ trương của Trung ương.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020. Nhưng, đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND được áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục