Các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Kim Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân kết luận phiên thảo luận. |
Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh; Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH của tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII; lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tại phiên thảo luận, đã có 16 lượt đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo sở, ngành chuyên môn phát biểu ý kiến. Các ý kiến phát biểu đã ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, điều hành linh hoạt của UBND các cấp, thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời, các ý kiến thảo luận đồng tình với những hạn chế, tồn tại đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát của Thường trực HĐND, của các Ban HĐND tỉnh, đồng thời phân tích sâu hơn một số hạn chế, khó khăn cụ thể trên từng lĩnh vực cũng như ở từng địa phương, đề xuất các giải pháp khắc phục, tập trung, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
Đại biểu Âu Thế Thái, tổ đại biểu Sơn Dương |
Đại biểu Trần Văn Tú, tổ đại biểu Chiêm Hóa |
Về việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh, đại biểu Âu Thế Thái, tổ đại biểu Sơn Dương, đại biểu Trần Văn Tú, tổ đại biểu Chiêm Hóa đánh giá về cơ bản các cơ chế, chính sách được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế cần khắc phục như: Việc thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2021, việc cung ứng cây giống cho người dân để trồng rừng chưa kịp thời theo tiến độ trồng rừng của người dân. Đối với Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành cần đánh giá thực chất hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác phối hợp thực hiện các trình tự thủ tục, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho các Hợp tác xã có đủ điều kiện và nhu cầu cần vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/07/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đề nghị trong thời gian tới, các ngành chuyên môn nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu HĐND tỉnh phát biểu và quan tâm đó là việc thực hiện thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực nông thôn: Một bộ phận nhân dân chưa quan tâm bảo vệ, tự ý xả thải ra môi trường đặc biệt là chất thải sinh hoạt nhựa và túi nilon được nhân dân sử dụng hàng ngày, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cho người dân. Trong quá trình triển khai phân loại, thu gom rác thải thiếu dụng cụ, không có bãi tập kết, chủ yếu tự xử lý nhỏ lẻ như chôn lấp, đốt. Đề nghị UBND chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện phong trào Tuyên Quang chung tay chống rác thải và rác thải nhựa; có các giải pháp hiệu quả để thu gom, tiêu hủy chất thải nguy hại còn tồn nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Đại biểu Vân Đình Thảo, Tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình |
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Vân Đình Thảo đã nêu và làm rõ hơn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, tiến độ giải ngân một số địa phương còn chậm, quá trình thực hiện giải ngân còn khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ và khắc phục kịp thời, UBND các huyện cần đầu tư có trọng điểm để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các xã khó khăn thuộc huyện Lâm Bình, Na Hang; chủ động hơn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, thực hiện các chính sách đặc thù dành cho vùng đặc biệt khó khăn, cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đại biểu quan tâm đến thành lập mới các doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh
Đại biểu Trần Thị Lan Anh, tổ đại biểu Sơn Dương |
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, các đại biểu: Đàm Thị Phương Lan và Trần Thị Lan Anh, Tổ đại biểu Sơn Dương; Lý Thu Hương, Tổ đại biểu Yên Sơn đề cập đến việc thực hiện tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ theo Nghị quyết số 73/NQ-TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa đạt kế hoạch được giao; tình trạng nợ tiền BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động; việc giải quyết chế độ và quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm tăng so với cùng kỳ; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế còn hạn chế, khó khăn nhất định....Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 6/7 huyện có tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ chưa đạt theo kế hoạch với nguyên nhân chủ yếu do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; công tác tuyên truyền, vận động còn khó khăn, hạn chế...Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế, đại biểu Lý Thu Hương, tổ đại biểu Yên Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế và các cơ quan chuyên môn sớm thực hiện quy hoạch, đề án vị trí việc làm cho cán bộ ngành y tế, sớm tổ chức thi tuyển bổ sung đủ đội ngũ cán bộ làm việc và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Bố trí nguồn kinh phí, ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các đơn vị y tế trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế đã xuống cấp.
Đại biểu Lê Thị Thanh Trà, tổ đại biểu Yên Sơn |
Đại biểu Lê Thị Thanh Trà, Tổ đại biểu Yên Sơn thảo luận về việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đại biểu đưa ra những số liệu cụ thể minh chứng nhiều di sản của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng bảo tồn và đang dần bị mai một. Đại biểu mong muốn các cấp, ngành, địa phương tập trung, khẩn trương có các giải pháp thiết thực trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chú trọng, phát huy vai trò chủ thể văn hóa; cần nêu cao vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc sử dụng tiếng nói, khuyến khích mặc trang phục dân tộc khi đến trường; đẩy mạnh việc gắn kết đầu tư, phát triển du lịch với bảo tồn, xã hội hóa công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc.
Đại biểu Trần Thị Hà, tổ đại biểu Hàm Yên |
Đại biểu Trần Thị Hà, tổ đại biểu Hàm Yên nêu các vấn đề về tình hình tội phạm và vi phạm hành chính trong 6 tháng đầu năm 2020 trên một số lĩnh vực tăng so với cùng kỳ; công tác quản lý nhà nước về đô thị, việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động thẩm tra, giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh, tình trạng lấn chiếm đất khu vực hai bên đường, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ tại một số địa phương xảy ra trong thời gian dài song việc kiểm tra, xử lý thiếu kiên quyết, dẫn đến vi phạm ngày càng nhiều mà chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Đại biểu đề nghị các cấp, các ngành chức năng cần coi trọng làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019; kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn.
Ông Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Ông Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường |
Tại phiên thảo luận, đại diện các ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế cũng đã giải trình, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục phấn đấu, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2020.
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân đã đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương theo trách nhiệm quản lý, nghiêm túc tiếp thu để có giải pháp tích cực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần thúc đẩy việc thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2020.Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ tỉnh tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; giám sát việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa, các ý kiến trả lời, lời hứa tại kỳ họp, các kiến nghị qua giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh. Đồng thời, gương mẫu thực hiện và động viên nhân dân thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của HĐND tỉnh./.