Thảo luận thông qua Dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ tư Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX

Kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã xem xét thông qua 30 nghị quyết thuộc nhiều lĩnh vực về kinh tế, đầu tư, văn hoá, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó các nghị quyết triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Các nghị quyết trình kỳ họp đã được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, thảo luận. Với tinh thần nghiêm túc, đã có 10 lượt đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.


Đại biểu Phạm Ninh Thái, tổ đại biểu huyện Yên Sơn.

Đối với nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang: Các đại biểu Tiêu Thị Hương (tổ đại biểu Thành phố Tuyên Quang), Phạm Ninh Thái (tổ đại biểu huyện Yên Sơn), Đàng Thị Hiền (tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình) bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo nghị quyết. Các đại biểu đề nghị cơ quan chuyên môn làm rõ căn cứ, cơ sở để đưa ra các nội dung tiêu chí trong dự thảo nghị quyết; việc bố trí vốn đối với các xã mới về đích nông thôn mới. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần có cơ chế đặc thù, xây dựng thiết kế mẫu đối với một số công trình như đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa thôn, bản để người dân tại địa phương được tham gia thực hiện; tổ chức quán triệt, thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…


Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ma Quang Hiếu.

Giải trình và làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm, đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, các nghị quyết được xây dựng trên các căn cứ văn bản pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương. Đối với nội dung xây dựng cơ chế đặc thù về thiết kế mẫu đường bê tông, nhà văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc đã làm việc cụ thể với các ngành, địa phương liên quan để trong thời gian sớm nhất khi Nghị quyết được thông qua sẽ được triển khai hiệu quả. Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên cho biết đối với 4 xã về đích nông thôn mới năm 2021 sẽ không được phân bổ vốn theo dự thảo nghị quyết, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND về giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.


Đại biểu biểu quyết qua máy tính bảng.

Thảo luận về nhóm 02 nghị quyết: quy định mức chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường công lập có cấp tiểu học; quy định mức chi trả cho đối tượng miễn, giảm học phí, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm học 2022 - 2023, đại biểu Đỗ Thị Nhung - tổ đại biểu huyện Sơn Dương cho biết so với mức thu học phí năm học 2021 - 2022, mức thu năm học 2022 - 2023 tại nghị quyết cao hơn, mức tăng theo các vùng trong tỉnh từ 2 lần đến 4,9 lần. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh khung học phí theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, giảm bớt khó khăn cho người dân. Đại biểu Phạm Kiều Trang - tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa quan tâm và đề nghị làm rõ trường hợp học sinh học tại trường công lập nhưng tự chủ hoàn toàn có nằm trong đối tượng áp dụng của Nghị quyết này hay không.

Trao đổi làm rõ các vấn đề trên, đồng chí Hà Trung Kiên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết các dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở các Thông tư của Bộ Tài chính, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng chí Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định các học sinh thuộc diện miễn giảm học phí học tại trường công lập nhưng tự chủ hoàn toàn thuộc diện được hưởng mức chi sau khi nghị quyết được ban hành.

Đại biểu Đào Thị Mai - tổ đại biểu huyện Sơn Dương quan tâm tới căn cứ đưa ra quy định mức thu chung đối với tất cả học sinh trong toàn tỉnh tại Nghị quyết quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đại diện cơ quan chuyên môn cho biết: việc quy định mức thu như vậy phù hợp với điều kiện với mức sống của nhân dân, tạo điều kiện để các trường có căn cứ khi thực hiện thu các khoản thu theo hình thức thỏa thuận với phụ huynh học sinh.


Đại biểu Trần Giang Nam, tổ đại biểu huyện Sơn Dương

.Nghị quyết quy định nội dung và mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quy định: doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ kinh phí thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp luật; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật và có đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp Tuyên Quang nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, không quá 7 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ, không quá 10 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa. Thảo luận về nghị quyết này, đại biểu Trần Giang Nam - tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ căn cứ để đề xuất các mức hỗ trợ trên. Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, mức hỗ trợ xây dựng trong dự thảo nghị quyết dựa trên cơ sở phân cấp tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về quy định mức chi cụ thể, Sở đã phối hợp với ngành Tài chính để thống nhất mức hỗ trợ phù hợp đảm bảo theo quy định của pháp luật.


Đại biểu Phạm Thị Kiều Trang, tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa.

Các đại biểu HĐND tỉnh cơ bản đồng tình, nhất trí với nội dung Nghị quyết Thông qua nội dung Phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thảo luận về dự thảo nghị quyết, đại biểu Nông Thị Bích Huệ - tổ đại biểu Na Hang - Lâm Bình và đại biểu Hứa Thị Hà - tổ đại biểu Sơn Dương đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi về chỉ tiêu “phấn đấu 100% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kĩ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp, truyền thông”. Đại biểu Phạm Thị Kiều Trang - tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa đề nghị làm rõ các chỉ tiêu "75% thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh"; "100% thanh niên trong độ tuổi quy định của pháp luật, có đủ năng lực hành vi dân sự sẵn sàng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự và lực lượng dân quân tự vệ"... có bao gồm thanh niên đi làm ăn xa không. Đại biểu Lý Thu Hương - tổ đại biểu huyện Yên Sơn cơ bản đồng tình nhất trí với dự thảo nghị quyết.


Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Quang Thắng.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị sau khi nghị quyết được thông qua, UBND tỉnh nhanh chóng rà soát bổ sung, ban hành 7 chính sách hỗ trợ phát triển thành niên, trong quá trình xây dựng chính sách cần đảm bảo theo khoản 2, điều 5, Luật Thanh niên; trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện cơ chế chính sách cần thực hiện đối thoại với thanh niên theo quy định tại điều 10, Luật Thanh niên và được quy định chi tiết tại Chương 2, Nghị định 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 về đối thoại với thanh niên. Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ đã tiếp thu các ý kiến thảo luận của đại biểu và làm rõ thêm căn cứ đưa ra các chỉ tiêu tại dự thảo nghị quyết. 100% đại biểu dự kỳ họp đã nhất trí thông qua nội dung dự thảo nghị quyết Thông qua nội dung Phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.


Quang cảnh phiên họp (Sáng ngày 03/7/2022).

Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIX là những nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 cũng như của cả giai đoạn  2021-2025, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.

Thu Hương
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục