Phiên làm việc chiều ngày 05/12/2019 kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVIII, chiều ngày 05/12/2019, các đại biểu theo dõi các báo cáo giám sát chuyên đề.

Đại biểu xem Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội bằng hình ảnh. 
Ảnh: Việt Hòa

Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014 - 2019 (giám sát bằng hình ảnh). Qua giám sát cho thấy, việc phát triển giáo dục mầm non được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi đi nhà trẻ đạt trên 30%, đến năm 2025 phấn đấu đạt tỷ lệ 50%. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 quy định chính sách khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi và kinh phí trả lương cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian đầu thành lập và hoạt động. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, hướng dẫn..., tập trung giải pháp để huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ trẻ học mầm non ngoài công lập của cả tỉnh thấp so với bình quân của cả nước và các tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ còn nhiều hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, nhà công vụ cho giáo viên mầm non chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng; công tác quản lý giáo dục còn hạn chế, bất cập; vẫn còn lãnh đạo quản lý, giáo viên mầm non vi phạm đạo đức nhà giáo, quy định của pháp luật phải thi hành kỷ luật. Việc chi trả chế độ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho giáo viên và học sinh còn bất cập, có nơi chưa đúng quy định.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc thi hành án hình sự và dân sự từ năm 2017 đến hết năm 2018.Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự và dân sự trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Công tác thi hành án hình sự đã có đóng góp quan trọng nhằm bảo đảm hiệu lực các bản án, quyết định của Tòa án, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh. Công tác thi hành án dân sự đã bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định pháp luật trong công tác thi hành án hình sự có nơi, có việc chưa chặt chẽ; trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ có lúc, có việc chưa sát sao, thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác tái hòa nhập cộng đồng ở nhiều nơi chưa được quan tâm thực hiện. Kết quả thi hành án dân sự đối với vụ việc có điều kiện thi hành trên tổng số vụ việc thụ lý chưa cao, số tiền chưa thi hành còn lớn. Công tác tổ chức thi hành án có lúc, có việc chưa quyết liệt, hiệu quả. Công tác chỉ đạo thực hiện thi hành án đối với một số vụ việc phức tạp còn chậm, thời gian kéo dài, chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Trách nhiệm của một số cơ quan liên quan trong công tác thi hành án có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2015 đến năm 2018. Giai đoạn 2015-2018, Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận, chuyển UBND tỉnh giải quyết 42 ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân tập trung phản ánh và đề nghị xử lý, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản như: Khai thác khoáng sản trái phép; vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, làm hỏng các tuyến đường giao thông; làm sạt lở, vùi lấp đất sản xuất nông nghiệp; ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn;…UBND tỉnh đã thực hiện việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện, thành phố tiếp thu, kiểm tra, xem xét, giải quyết cơ bản các ý kiến, kiến nghị của cử tri; Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường, sâu sát, hiệu quả hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về khoáng sản, của các tổ chức và nhân dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản; góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Nhiều ý kiến, kiến nghị về các vụ việc cụ thể đã được các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tích cực giải quyết, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, một số ý kiến, kiến nghị của cử tri đến nay chưa được giải quyết dứt điểm, hiệu quả. Một số tồn tại hạn chế trong công tác quản lý nhà nước mà cử tri đã kiến nghị, phản ánh chưa được khắc phục triệt để. Còn có doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, chế biến, vận chuyển, sử dụng khoáng sản nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư của công dân giữa các doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa tốt...


Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết miễn nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Ảnh: Thanh Phúc

Đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa XVIII
nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Thanh Phúc

Kỳ họp đã thực hiện các công việc về công tác tổ chức cán bộ. Theo đó: HĐND tỉnh miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đình Quang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về nghỉ chế độ hưu trí; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Chấp Đảng bộ tỉnh, Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, do điều động công tác; ông Đào Duy Quyết, nguyên Giám đốc Sở Y tế, về nghỉ chế độ hưu trí; Miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Hoàng Thị Nụ, về nghỉ chế độ hưu trí; miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Hoàng Thu Lụa, do điều động công tác. Thực hiện bầu bổ sung chức vụ Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Âu Thế Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trúng cử giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021.

Tiếp đó, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã xem xét, thảo luận và thông qua một số dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp.

Hoàng Linh

Tin cùng chuyên mục