Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Để đại biểu HĐND tỉnh có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, thì việc từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Thiện Tuyên thảo luận tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII |
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự là người đại diện cho cử tri; tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu. Tại các kỳ họp, đa số đại biểu tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, góp phần giúp HĐND có những quyết nghị đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc ban hành các nghị quyết về cơ chế chính sách của tỉnh. Trong hoạt động chất vấn, một số đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi cho các cơ quan có liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc và những lĩnh vực mà đại biểu cũng như cử tri đang quan tâm, đồng thời kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả. Trong hoạt động giám sát, các đại biểu đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tương đối đầy đủ và có nhiều ý kiến xác đáng với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục, nên chất lượng hoạt động giám sát ngày được nâng lên. Trong tiếp xúc cử tri, đã lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ sở, từ đó có nhiều ý kiến, kiến nghị với các cơ quan có liên quan và với Thường trực HĐND để tổ chức các đoàn giám sát, làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục. Qua đó, cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND, từ đó vai trò, vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng được khẳng định và tăng cường.
Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân là nơi đại biểu HĐND tham gia sinh hoạt. Tổ có nhiệm vụ phân công đại biểu tiếp công dân tại nơi ứng cử; tổ chức cho đại biểu TXCT, thu thập ý kiến và nguyện vọng của cử tri; phân công thành viên trong tổ nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến tham gia tại các kỳ họp HĐND. Như vậy, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh là hai chủ thể quan trọng trong hoạt động của HĐND tỉnh. Tổ đại biểu chính là cầu nối giữa đại biểu HĐND với HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND; giữa đại biểu HĐND với các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang; với cử tri, với nhân dân.
Đại biểu HĐND tỉnh thuộc Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 11 tại xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa |
HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021, bố trí sinh hoạt theo 06 tổ. Mỗi Tổ đại biểu trung bình có từ 6 đến 14 thành viên trong đó có một Tổ trưởng, một Tổ phó. Hầu hết các Tổ đại biểu HĐND đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Các cuộc giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh tại địa phương đều có đại diện tổ đại biểu HĐND tham dự và phát biểu ý kiến. Các cuộc thảo luận tổ tại các kỳ họp HĐND tỉnh luôn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm với nhiều ý kiến phát biểu chất lượng và tâm huyết. Đặc biệt, chất lượng hoạt động của tổ đại biểu đã được thể hiện rõ nét trong việc phân công, khích lệ các đại biểu HĐND là thành viên của tổ chuẩn bị câu hỏi chất vấn và chất vấn trực tiếp tại các phiên họp. Theo dõi các kỳ họp gần đây cho thấy chất lượng chất vấn của đại biểu ngày càng được nâng cao hơn. Nhiều đại biểu trẻ ở cơ sở đã trưởng thành, tự tin hơn. Ngày càng có nhiều câu hỏi chất vấn đề cập những vấn đề đang được cử tri quan tâm, bức xúc được chuyển tới thủ trưởng các cơ quan chức năng, liên quan đến những bất cập trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, về phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực trên đây, cũng cần nhìn nhận khách quan, hoạt động của đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định, đó là: Phần lớn đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên không dành được nhiều thời gian cho hoạt động của cơ quan dân cử; còn tình trạng né tránh, ngại va chạm của đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát, thẩm tra, chất vấn; việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri hình thức vẫn còn đơn điệu, chưa có sự đổi mới rõ nét. Các hội nghị TXCT theo chuyên đề còn ít. Phần lớn các tổ đại biểu chưa phát huy được tính chủ động trong đề xuất, xây dựng kế hoạch giám sát; việc duy trì chế độ họp Tổ đại biểu chưa thường xuyên, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; trách nhiệm của một số ít đại biểu HĐND đối với hoạt động của HĐND tỉnh chưa cao.
Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, nâng cao vai trò của HĐND và vai trò của từng đại biểu HĐND, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, trong nhiệm kỳ tới HĐND các cấp cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, trong đó thường xuyên quan tâm và có phương thức lãnh đạo chặt chẽ các mặt hoạt động của HĐND để vai trò của HĐND được phát huy và hoạt động hiệu quả.
Hai là, các đại biểu HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, Tổ đại biểu được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; tiếp tục nâng cao chất lượng của người đại biểu HĐND, ngoài phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, người đại biểu HĐND phải có trình độ, năng lực thực tiễn, có tâm huyết, trách nhiệm cao đối với hoạt động của người đại biểu tham gia thảo luận, chất vấn tại kỳ họp và các hoạt động giám sát; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Phát huy hiệu quả vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh.
Ba là, thiết lập và duy trì chặt chẽ mối quan hệ công tác giữa các Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh. Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phải có kế hoạch công tác quý, năm gửi Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh để phối hợp triển khai, nhất là trong hoạt động giám sát; đồng thời thông tin kết quả hoạt động hàng quý với Thường trực HĐND tỉnh.
Bốn là, thường xuyên chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu, Tổ đại biểu như: Kỹ năng hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn, TXCT, kỹ năng xem xét ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết giúp đại biểu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Năm là, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các huyện, thành phố cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để đại biểu HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh TXCT, tiếp công dân, giám sát tại địa phương theo luật định. Ngoài ra cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm các điều kiện như kinh phí, trang thiết bị cần thiết giúp đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sáu là, hằng năm, mỗi đại biểu HĐND tỉnh tự xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm và báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh biết để theo dõi, giám sát việc thực hiện, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu. Mặt khác, hằng năm Thường trực HĐND tỉnh cần tổ chức đánh giá và xếp loại kết quả hoạt động, có động viên khen thưởng kịp thời đại biểu HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua, đồng thời vận dụng một số giải pháp trên đây, tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ tới, chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh và Tổ đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiếp tục được nâng lên hơn nữa, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Tuyên Quang./.