Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Dân tộc HĐND tỉnh với 07 thành viên, trong đó có Trưởng Ban và 02 Phó trưởng Ban hoạt động chuyên trách và 04 ủy viên kiêm nhiệm. Do yêu cầu công tác cán bộ, cơ cấu tổ chức của Ban có nhiều thay đổi, đến thời điểm hiện tại, Ban có 01 đồng chí Trưởng Ban và 03 Ủy viên hoạt động kiêm nhiệm. Mặc dù trong điều kiện thiếu thành viên theo số lượng được HĐND tỉnh thông qua từ đầu nhiệm kỳ, song các thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh luôn đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo dấu ấn trong hoạt động của Ban và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, cụ thể:
Hoạt động giám sát, khảo sát: Thực hiện chương trình giám sát hàng năm theo nghị quyết của HĐND tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện 10 cuộc giám sát thường xuyên; 06 cuộc giám sát chuyên đề (trong đó có 04 cuộc giám sát chuyên đề của Ban; 02 cuộc giám sát chuyên đề phối hợp với Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội có minh họa bằng hình ảnh). Nội dung các cuộc giám sát tập trung vào các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, liên quan thiết thực đến quyền và lợi ích của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế, xã hội khó khăn như: Về tổ chức, thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số; việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn từ năm 2015-2017; kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2016 - 2018; việc thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; việc đề xuất phương án xử lý đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Đồng chí Lý Minh Bình, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh (người thứ 2, từ phải qua trái) giám sát chuyên đề về công tác đầu tư, quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (ngày 11/9/2018) Ảnh: Thủy Châu |
Hình thức giám sát được lựa chọn phong phú, có chiều sâu, coi trọng giám sát chuyên đề bằng hình ảnh, một phương thức giám sát hiệu quả, tác động trực tiếp đến đối tượng giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan. Những hình ảnh là dẫn chứng, minh họa sinh động từ thực tiễn ở cơ sở, tăng tính thuyết phục, phản biện cho những đánh giá của đoàn giám sát. Kết quả giám sát đã tác động thiết thực đến đối tượng chịu sự giám sát, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước xem xét, tiếp thu, khắc phục những thiếu sót, kịp thời điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách.
Trong nhiệm kỳ Ban dân tộc đã tham mưu giúp Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn về “Kết quả thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong nhiệm kỳ Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn về vấn đề cử tri quan tâm; đồng thời Ban đã tham mưu giúp Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 01 phiên giải trình về “Việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến 30/6/2018”. Hoạt động chất vấn, giải trình trong thời gian giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh là hình thức giám sát mới, là diễn đàn dân chủ thể hiện vai trò tích cực của từng đại biểu HĐND đối với những vấn đề cử tri và dư luận quan tâm; đánh giá đúng kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm trong quản lý, điều hành của người đứng đầu và các cơ quan, đơn vị; kiến nghị các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thực hiện dự án trong thời gian tới.
Đồng chí Âu Thế Thái, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp với các ngành về kết quả thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh (Ngày 28/5/2020). |
Công tác thẩm tra được chú trọng, Ban đã chủ động tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan để có ý kiến thẩm tra cụ thể, chính xác, sát thực tiễn đối với 19 báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết được phân công thẩm tra trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh; kết quả thẩm tra được Ban đưa ra thảo luận dân chủ, thẳng thắn, những vấn đề chưa rõ được Ban trao đổi, yêu cầu các ngành làm rõ, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trước khi trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Qua đó, nâng cao chất lượng, tính phản biện của các báo cáo thẩm tra; các nội dung mang tính nhận định, phân tích có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn thuyết phục để giúp đại biểu HĐND tỉnh có định hướng trong thảo luận và quyết định, góp phần nâng cao chất lượng các nghị quyết của HĐND tỉnh, để nghị quyết của HĐND tỉnh có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; quy định nội dung, mức chi đảm bảo hoạt động của Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và Ban tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ cấp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định mức hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; về việc phân định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng công trình thủy lợi hồ Cao Ngỗi, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang… đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh và thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Phối hợp, tham gia 12 cuộc giám sát thường xuyên về tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, 03 cuộc giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh; phối hợp giám sát theo chương trình, kế hoạch của Đoàn ĐBQH tỉnh và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV. Tham gia giám sát việc thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ. Hàng năm, phối hợp với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc chăm lo, trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm mới trên địa bàn tỉnh; phối hợp khảo sát phục vụ các phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Với phương châm gần dân, sát dân, lãnh đạo và các thành viên Ban đã tăng cường đi cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của cử tri; tham gia đầy đủ các các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh và tại nơi ứng cử theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, của Tổ đại biểu HĐND tỉnh; phát huy tinh thần trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, luôn lắng nghe và tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của nhân dân để phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, đảm bảo việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được thực hiện theo luật định.
Đại biểu Vân Đình Thảo, Thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (ngày 22/3/2021). |
Trong nhiệm kỳ, các thành viên của Ban đã thể hiện rõ vai trò của người đại biểu nhân dân, tích cực nghiên cứu tài liệu và các quy định hiện hành của Nhà nước, địa phương, tình hình thực tế trước khi thực hiện chất vấn, thảo luận tại các kỳ họp HĐND tỉnh về các nội dung: Ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gia súc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc xử lý chất thải y tế; tình trạng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hỏng, xuống cấp không sử dụng được, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp, công ty chè trả về địa phương; hiệu quả công trình thủy lợi Khuôn Lù thuộc Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi xã Trung Trực, huyện Yên Sơn...
Cùng với việc tham gia các hoạt động nêu trên, các thành viên Ban tích cực nghiên cứu đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề tài, dự án do các cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan ở tỉnh tổ chức lấy ý kiến. Tham gia các hoạt động khác của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh; hoàn thành xuất sắc Đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang”; tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học do các Ban của HĐND tỉnh thực hiện.
Những hoạt động của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng toàn diện, thiết thực hơn, thể hiện được vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cử tri, đặc biệt là cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xứng đáng với niềm tin của toàn thể cử tri, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Lãnh đạo và các thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, tạo dấu ấn tích cực trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của HĐND tỉnh. Đây cũng là nền tảng quan trọng để tập thể Ban Dân tộc HĐND tỉnh kế thừa, phát huy và thành công hơn trong những nhiệm kỳ tiếp theo./.