Góp phần vào thành tích chung của HĐND tỉnh có sự cố gắng, nỗ lực của các Ban HĐND tỉnh, trong đó có Ban Pháp chế. Trong nhiệm kỳ hoạt động với 06 thành viên, trong đó có Trưởng Ban và 01 Phó trưởng Ban hoạt động chuyên trách và 04 ủy viên kiêm nhiệm. Trong điều kiện thiếu 01 thành viên theo số lượng được HĐND tỉnh thông qua từ đầu nhiệm kỳ, song Ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa XVIII đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định và sự phân công, điều hòa của Thường trực HĐND tỉnh. Các thành viên đoàn kết, sáng tạo, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp cũng như giữa 2 kỳ họp; tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; tham gia các hoạt động thẩm tra, giám sát, kháo sát của Ban, một số kết quả cụ thể đạt được đó là:
Tại diễn đàn kỳ họp, thành viên của Ban Pháp chế đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, đặc biệt tại các phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chất vấn Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, về những vấn đề cử tri quan tâm, như: Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đặt tên đường phố, công trình công cộng, đánh số và gắn biển số nhà tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất; việc giải quyết các vụ án, việc dân sự, hôn nhân gia đình; án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động; kết quả xây dựng nông thôn mới…
Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII |
Qua 18 kỳ họp của nhiệm kỳ (trừ kỳ họp thứ nhất), trong đó có 11 kỳ họp thường lệ, 5 kỳ họp chuyên đề, 2 kỳ họp bất thường, Ban Pháp chế đã thực hiện thẩm tra và chủ trì phối hợp thẩm tra 77 báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, của các cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án; 28 đề án, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp (trung bình 07 báo cáo và gần 03 dự thảo nghị quyết trên một kỳ họp thường lệ). Nhiều báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết quan trọng tác động đến nhiều đối tượng, lĩnh vực, như: Biên chế hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hàng năm; nghị quyết về số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ nhân dân; về điều chỉnh địa giới hành chính các huyện, thành phố; việc thành lập phường, thị trấn; quyết định sáp nhập, đổi tên thôn, tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ tiền ăn, ngày công lao động cho lực lượng dân quân tự vệ của địa phương; chính sách hỗ trợ cho lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương…
Trong công tác thẩm tra đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự phù hợp của nghị quyết với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bảo đảm tính hợp hiến và sự thống nhất với hệ thống pháp luật. Trình tự, thủ tục thẩm tra được thực hiện bảo đảm theo quy định và có sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các cơ quan có liên quan. Trong thẩm tra của Ban đã thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề thuộc phạm vi, nội dung thẩm tra và đề xuất những nội dung, vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, những vấn đề cần làm rõ và phương án xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau như về hỗ trợ cho trưởng các đoàn thể, mức khoán cho hoạt động của thôn, tổ nhân dân... Các báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, được Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành đồng tình, nội dung các báo cáo thẩm tra đã giúp cho Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh nắm chắc và biểu quyết những vấn đề lớn, các nghị quyết do Ban thẩm tra được thông qua có ý nghĩa thực tiễn và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ, Ban đã thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, khảo sát đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào một số nội dung cụ thể thuộc lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tư pháp, thanh tra, xây dựng chính quyền, giải quyết kiến nghị cử tri. Đã tiến hành 04 cuộc giám sát chuyên đề đó là: Chấp hành pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng (có minh họa bằng hình ảnh đồng thời có báo cáo bằng văn bản theo quy định); thực hiện công tác cải cách hành chính; công tác thi hành án hình sự và dân sự; việc chấp hành pháp luật về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra trên địa bàn tỉnh.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Sơn |
Tổ chức 10 cuộc giám sát thường xuyên về thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực pháp chế và công tác nội vụ, cải cách hành chính; tư pháp, thanh tra; công tác quốc phòng, an ninh.
Tham gia đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số: 1766/QĐ-TTg ngày 10/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; thực hiện kiến nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến 31/12/2019. Tham gia các cuộc khảo sát, giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện Luật Viên chức trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 đến hết năm 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến năm 2019; việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ…
Thực hiện sự phân công, điều hòa của Thường trực HĐND tỉnh, Ban đã trực tiếp tổ chức khảo sát và tham mưu phục vụ tổ chức 01 phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về giải quyết khiếu nại, tố cáo đề nghị của công dân; 01 phiên họp giải trình về quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất.
Trong quá trình giám sát, khảo sát, Ban đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các cơ quan chuyên môn có liên quan và Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND các huyện, thành phố. Khi phát hiện những việc các cơ quan, đơn vị được giám sát thực hiện chưa thống nhất, có việc cần phải xử lý ngay, Đoàn giám sát, khảo sát của Ban đã kịp thời trao đổi, kiến nghị trực tiếp để khắc phục. Kết thúc đợt giám sát, Ban đã ban hành báo cáo kết quả giám sát, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, thiếu sót, tồn tại và kiến nghị với các cơ quan, đơn vị để khắc phục những hạn chế, thiếu sót đối với các nội dung được giám sát.
Các kiến nghị của Ban đã được UBND tỉnh, các ngành tiếp thu triển khai thực hiện, nhiều kiến nghị đã được thực hiện xong, có hiệu quả, như: Kiến nghị về các vụ án, việc dân sự, hôn nhân gia đình; án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động bị tạm đình chỉ, tồn đọng đến nay đã cơ bản được giải quyết; về giao biên chế công chức hành chính, phê duyệt số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm trước năm được giao; kiến nghị về giải quyết một số vụ việc khiếu nại kéo dài thuộc, về đối thoại với công dân thẩm quyền của UBND tỉnh, huyện…Các kiến nghị sau các cuộc giám sát Ban tiếp tục theo dõi kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát.
Cùng với việc tham gia các kỳ họp, thực hiện công tác thẩm tra, công tác giám sát, các thành viên Ban pháp chế tích cực nghiên cứu đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề tài, dự án do các cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan ở tỉnh tổ chức lấy ý kiến; Đại diện Ban tham gia 03 đề tài nghiên cứu khoa học do các Ban của HĐND tỉnh thực hiện. Tham gia đầy đủ các các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh và tại nơi ứng cử theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, của Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Tham gia các hoạt động khác của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh như: Dự và trao đổi ý kiến tại các cuộc họp giao ban giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố; dự tập huấn về kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND; Tham gia tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc lần thứ II (nhiệm kỳ 2016 - 2021) tại tỉnh Tuyên Quang.
Qua các hoạt động của Ban cho thấy, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trước hết các thành viên của ban phải là các đại biểu có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nắm chắc các quy định của pháp luật. Lãnh đạo Ban điều hòa, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban rõ ràng, khoa học nhằm phát huy trí tuệ của tập thể và từng cá nhân thành viên Ban. Quá trình hoạt động luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhận thức đúng quy định. Nắm được tình hình thực tế của địa phương để vận dụng đúng, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.