Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung. Ảnh Thành Công.
Kính thưa đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang!
Kính thưa các đồng chí đại biểu các cơ quan Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị đại biểu Quốc hội!
Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị đại biểu khách quý, thưa toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh!
Hôm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khoá XIX trọng thể khai mạc kỳ họp thứ năm. Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tới dự và chỉ đạo Kỳ họp; chào mừng các đồng chí đại biểu các cơ quan Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị đại biểu khách quý đã đến dự Kỳ họp.
Xin trân trọng gửi đến các vị đại biểu, khách quý tham dự kỳ họp cùng toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc kỳ họp thành công tốt đẹp!
Kính thưa các vị đại biểu!
Thưa cử tri và Nhân dân!
Theo chương trình đã được thông qua, tại kỳ họp này Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Thứ nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2022; quyết nghị về chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2023.
Các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023; Kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương 10 tháng đầu năm 2022; một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành ngân sách địa phương cuối năm 2022… đã đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; đồng thời dự báo tình hình và xác định rất rõ mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; kế hoạch đầu tư công; dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2023. Nhìn lại chặng đường thực hiện các nhiệm vụ năm 2022, chúng ta nhận thấy rằng:
Năm 2022, cùng với những thuận lợi, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới; thiên tai, dịch bệnh, bão lũ; áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào của sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 19/20 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao so với năm 2021.
Tập trung cao độ, triển khai thực hiện quyết liệt việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm. Tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, được dư luận đánh giá cao, như: Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến; Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022...; chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, giữ vững kết quả phổ cập các bậc học; nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao được triển khai thực hiện; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được quan tâm giải quyết; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm.
Tuy vậy, trên từng lĩnh vực cũng còn những tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu cân đối ngân sách trên địa bàn chưa bền vững, một số chỉ tiêu chưa bảo đảm lộ trình thực hiện mục tiêu của cả thời kỳ 2021 - 2025 theo đề án đã được phê duyệt; tiến độ thực hiện một số chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chưa đồng bộ; du lịch chưa tạo được những sản phẩm mới, đặc sắc riêng có của tỉnh; biên chế giáo viên, cơ sở vật chất trong các trường học, vật tư, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, bất cập. Cải cách hành chính, chuyển đổi số chưa theo kịp phát triển chung của cả nước, chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Việc triển khai thực hiện một số chính sách, cơ chế phát triển sản xuất theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh còn chậm, chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh Hà Ngọc.
Trên cơ sở những nhận định và đánh giá, đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, tờ tình của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh, tâp trung thảo luận, nhận định tình hình, đánh giá đúng những hạn chế, xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ. Bên cạnh đó cũng dự báo tình hình để xem xét quyết nghị các mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu cụ thể, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về điều hành phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách; kế hoạch đầu tư công năm 2023; phương án phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đảm bảo hiệu quả nhất.
Thứ hai, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, kỳ họp này sẽ xem xét, thông qua 31 dự thảo nghị quyết, trong đó có các nghị quyết rất quan trọng về: Chính sách hỗ trợ người mắc bệnh Suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ, bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) trên địa bàn tỉnh; các nghị quyết về chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án về triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025…Từng nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã tổ chức nhiều phiên họp thẩm tra để trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Đề nghị các vị đại biểu thảo luận, làm rõ và thống nhất về căn cứ ban hành, điều kiện và giải pháp bảo đảm thực hiện nghị quyết.
Thứ ba, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát và thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiến độ thực hiện việc thực hiện Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Xem xét báo cáo kết quả công tác của Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh; các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan trình tại kỳ họp; Báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Kỳ họp sẽ thực hiện chất vấn đối với các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng sẽ nghe thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền năm 2022, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đề nghị các vị đại biểu dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, thảo luận về các báo cáo, nhất là các báo cáo giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, báo cáo giám sát và thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; tích cực tham gia ý kiến để bảo đảm công tác chất vấn thực hiện, nhiệm vụ giám sát được thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Kính thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa Kỳ họp!
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng trân trọng báo cáo cử tri, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2022, được sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, sự ủng hộ của cử tri, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã hoàn thành có chất lượng, hiệu quả toàn bộ chương trình công tác đề ra. Trong năm, đã tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp chuyên đề, ban hành 84 nghị quyết đáp ứng kịp thời yêu cầu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng của tỉnh. Việc chuẩn bị tổ chức và điều hành kỳ họp tiếp tục được đổi mới, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan. Các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp đều được xây dựng đảm bảo quy trình, thủ tục và thẩm tra đúng quy định của pháp luật. Chất lượng chuẩn bị, thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết được nâng cao.
Hoạt động giám sát có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện, đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định của pháp luật và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện giám sát thường xuyên hàng tháng; tổ chức 5 cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát được lựa chọn “đúng” và “trúng” có trọng tâm, trọng điểm; chọn những vấn đề khó, liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân để giám sát, hằng tháng và cho ý kiến tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổ chức 02 phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nghe giải trình về thực hiện quản lý, đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh và về công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân.
Hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới; việc tiếp nhận, đôn đốc, giám sát giải quyết đơn của công dân, kiến nghị của cử tri cơ bản giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đã tổ chức thực hiện các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp, hai cấp tại cùng một địa điểm. Các kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền ngay sau khi nhận được. Thực hiện theo dõi, đôn đốc, giám sát hằng tháng và lựa chọn một số kiến nghị, vụ việc cụ thể để giám sát tại cơ sở.
Thưa các vị đại biểu!
Thưa cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh!
Là kỳ họp cuối năm, Kỳ họp thứ năm Hội đồng nhân dân tỉnh có khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nghị quyết được bổ sung so với nội dung, chương trình kỳ họp được duyệt. Các nội dung trình Kỳ họp đã được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị nghiêm túc, chặt chẽ, đúng các quy định của pháp luật.
Tôi đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung chương trình bảo đảm cho kỳ họp thành công, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Với tinh thần đó, thay mặt Chủ tọa kỳ họp, tôi tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ năm, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.
Xin trân trọng cảm ơn!