Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIV. |
Kỳ họp thứ năm là kỳ họp giữa năm 2018, năm bản lề của nhiệm kỳ 2016 - 2021, vì vậy, chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; xây dựng đất nước phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị, xã hội. Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 08 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án luật khác.
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Dự thảo Luật trình xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp này tập trung vào những nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của Luật và những nguyên tắc áp dụng Luật; quy hoạch đặc khu; cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; ngân sách và ưu đãi đầu tư; cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương, an sinh xã hội và cơ chế, chính sách đặc biệt khác; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; vấn đề chuyển tiếp và triển khai thi hành Luật.
Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Các phiên chất vấn, cách thức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng sẽ được thí điểm theo hình thức mới. Thời gian cho đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 01 phút và sau khi 03 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 03 phút. Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.
Các phiên truyền hình trực tiếp, gồm: Phiên khai mạc báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, ba phiên chất vấn từ ngày 06/6-08/6 và phiên bế mạc; phiên họp ngày 31/5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 sẽ được truyền hình toàn bộ nội dung, gồm báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận tại hội trường. Phiên thảo luận ngày 13/6 ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) , ./.