Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thảo luận tại tổ 9, gồm các đoàn: Bắc Ninh, Long An, Ninh Thuận và Tuyên Quang. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Tuyên Quang làm tổ trưởng, điều hành phiên họp.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Tuyên Quang điều hành phiên họp tại tổ. |
Phát biểu tại phiên họp thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang bày tỏ vui mừng trước tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động tín dụng đều có bước phát triển ấn tượng, có được điều nay theo đại biểu Ma Thị Thúy là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Những tháng đầu năm 2018 cũng đã cho thấy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đại biểu Thúy đặt kỳ vọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước tiếp tục bền vững trong năm 2018.
Để sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng bền vững, giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền của Tổ quốc, Chính phủ cần quan tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả đối với các dự án lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Với Dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, Công trình thủy điện Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2002, triển khai đầu tư xây dựng năm 2003 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2007, để thực hiện công trình thủy điện Tuyên Quang đã phải di chuyển 4.122 hộ, 20.419 khẩu đến tái định cư tại 125 điểm, 36 khu tái định cư trên địa bàn 06 huyện, thành phố trong tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang tại Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg ngày 12/01/2007 và Quyết định số 1766/QĐ-TTg ngày 10/10/2011 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thuỷ điện Tuyên Quang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Thực hiện Quyết định số 1766 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung theo mục tiêu Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã ưu tiên đầu tư các hạng mục: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho số hộ điều chỉnh bổ sung; đầu tư tạo quỹ đất sản xuất giao bổ sung cho hộ tái định cư; đầu tư hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề; hỗ trợ khác để ổn định đời sống phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu, điểm tái định cư.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu vốn đầu tư, do bố trí vốn hàng năm quá thấp so nhu với cầu và dự án được phê duyệt, nên tỉnh rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là nội dung hỗ trợ sản xuất và ổn định đời sống cho các hộ dân và các công trình hạ tầng thiết yếu.
Tổng mức đầu tư theo Quyết định 1766/QĐ-TTg ngày 10/10/2011 của Thủ tướng Chính Phủ (NSTW) là: 1.868,935 tỷ đồng (thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2016 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kéo dài đến hết năm 2020 tại văn bản số 169/TTg-KTN ngày 27/01/2016).
Tổng nguồn vốn được giao giao lũy kế đến hết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới đạt 930,831/1.868,935 tỷ đồng, bằng 49,8% tổng mức đầu tư. Trong khi thời gian thực hiện của dự án theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ chỉ còn lại 2,5 năm, trong khi số vốn bố trí mới đạt 49,8% (trong đó năm 2018 chỉ được bố trí 2,5 tỷ đồng; theo kế hoạch còn 9,0 tỷ đồng cho hai năm 2019, 2020) còn rất nhiều hạng mục công việc, công trình cấp thiết cần triển khai để thực hiện hoàn thành việc tái định cư, nhất là bổ sung đất ở, đất sản xuất để đảm bảo cuộc sống ổn định, bền vững, phát triển và hòa nhập cộng đồng của đồng bào tái định cư với người dân sở tại, do vậy rất khó khăn cho tỉnh Tuyên Quang đạt được mục tiêu của dự án được duyệt.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khẩn trương cân đối, bố trí vốn đầu tư còn lại của dự án 938,104 tỷ đồng để tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện các nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang, ổn định cuộc sống đồng bào tái định cư.
Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận tại tổ. |
Đối với việc xây dựng dự án đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai không chỉ có ý nghĩa về mặt rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang đi Hà Nội mà còn là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo động lực quan trọng để tỉnh Tuyên Quang cùng các tỉnh trong vùng phát triển.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), quy mô tổng chiều dài tuyến đường 40,2 km, tổng mức đầu tư dự kiến trên 4.695 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 511 tỷ đồng. Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 150/TB-CP, ngày 21/3/2017 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay chưa có vốn, nên tỉnh không thể triển khai thực hiện được dự án. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn 511 tỷ đồng cho tỉnh để triển khai thực hiện dự án đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai./.