ĐBQH Ma Thị Thúy đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu xây dựng pháp luật

Tại phiên thảo luận tổ chiều 15-11 về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐBQH Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu xây dựng pháp luật.

Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận tại tổ.

Đại biểu cho rằng cần tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác soạn thảo, xây dựng pháp luật, nghị định và các văn bản dưới luật, bởi đây chính là gốc của vấn đề để nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội.

Đưa ra bất cập hiện nay trong tiếp cận với các hồ sơ dự án luật trình Quốc hội tại các kỳ họp, đại biểu cho rằng hồ sơ liên quan của các dự án luật để đại biểu tiếp cận gần như không có hoặc không đầy đủ. Trong khi đó quy định hiện hành là cơ quan trình phải gửi hồ sơ dự án luật tới đại biểu trước 20 ngày để cho ý kiến, thảo luận chính thức. Nhưng thực tế rất ít cơ quan trình làm được điều này, hệ quả là đại biểu có rất ít thời gian để nghiên cứu dự án luật, ảnh hưởng tới chất lượng góp ý, xây dựng luật. Đại biểu đề nghị cần xử lý nghiêm bằng hình thức cho ra khỏi nội dung kỳ họp, có như vậy mới đủ sức răn đe và đưa công tác xây dựng pháp luật đi vào nền nếp.

Báo cáo của Bộ Tư pháp đánh giá về đội ngũ cán bộ công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo thẩm định dự án luật, có 475 người làm việc trực tiếp tại Bộ có trình độ đại học và sau đại học. Đại biểu đề nghị có báo cáo cụ thể số cán bộ tại Bộ tư pháp đã qua thực tiễn, qua cơ sở chưa hay chỉ qua đào tạo mà đã sắp xếp vào làm ngay tại các vị trí xây dựng, soạn thảo văn bản luật, bởi đây là cơ quan tham mưu để trình Quốc hội. Tương tự, tại các địa phương, tổng số cán bộ làm công tác xây dựng chính sách soạn thảo văn bản dưới luật thuộc UBND tỉnh là 11.324 người, trong đó có 102 người trình độ trung cấp, cao đẳng. Số cán bộ, viên chức này có đảm bảo chất lượng hay không cần có đánh giá cụ thể. Bởi thực tế hiện nay vẫn còn nhiều văn bản trái pháp luật được ban hành. Bộ Tư pháp thống kê qua 2 năm có 266 văn bản trái pháp luật được ban hành, một phần nguyên nhân là do chất lượng đội ngũ tham mưu còn hạn chế cả ở địa phương và Trung ương. Nếu kiểm tra thực tế con số này sẽ còn nhiều hơn.

Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đại biểu cho rằng còn nhiều hạn chế yếu kém. Luật được biểu quyết thông qua thì nhiều nhưng phổ biến tới các đối tượng còn rất hạn chế, khiến luật chưa đi sâu vào cuộc sống. Đây là vấn đề cần được khắc phục trong thời gian tới. Chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, đại biểu cho biết, ngay từ khâu lấy ý kiến cho đến tuyên truyền phổ biến các dự án luật đều tới tận cơ sở, làm việc trực tiếp tại các sở, ngành có liên quan tới luật đó. Việc này sẽ giúp lấy được nhiều ý kiến chất lượng và sát với thực tế từ quá trình làm việc của cụ thể.

Cho ý kiến về trách nhiệm chủ trì tiếp thu chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại biểu cho rằng hiện có 2 phương án, nhưng quan trọng nhất vẫn là công tác phối hợp giữa các cơ quan. Đồng thời cần tích cực nâng cao chất lượng của đội ngũ trực tiếp làm công tác soạn thảo, xây dựng và tham mưu. Bởi trong mọi hoạt động, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục