Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận tại phiên họp. |
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu nhiều, chỉnh lý nhiều, tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị tham mưu cho UBND các cấp tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến trong quá trình thực hiện các địa phương còn lúng túng. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện thanh tra công tác xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản vi phạm hành chính phải có thêm chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ, trường hợp không có cha, mẹ hoặc người giám hộ phải có chứng kiến của chính quyền địa phương nơi phát hiện hành vi vi phạm. Về quy định “....trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi lập biên bản”. Đại biểu cho rằng, thực tế có một số trường hợp việc lập biên bản vi phạm hành chính vào cuối giờ của ngày mà hôm sau là cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ, tết... nên sẽ không đảm bảo thời gian chuyển biên bản theo quy định nêu trên. Đồng thời, đề nghị sửa đổi quy định thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết giải trình cho thủ trưởng trực tiếp của người lập biên bản vi phạm hành chính là phù hợp thực tế; bổ sung nội dung quy định về căn cứ xác định giá trị đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm.
Đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét rút ngắn thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, rút ngắn thời gian xử lý và số lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận (không có lý do chính đáng), hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm (quy định tại khoản 4, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính) để cơ quan có thẩm quyền có thể nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm. Đồng thời, xem xét bổ sung những trường hợp được xem là khó khăn về kinh tế để được tạm hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm bảo đảm tính khả thi.
Về biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, đại biểu cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn và chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Luật Dân sự. Bên cạnh đó còn thể hiện sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của các quy định pháp luật của nhà nước. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể các trường hợp đã và đang trong thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào.
Tại Điều 122 quy định: “Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác”. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường hợp đối tượng có hành vi vi phạm khác, cơ quan công an cần thời gian để xác minh về các yếu tố nhân thân của đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm những đối tượng lại không có nơi cư trú ổn định, nếu không tạm giữ hành chính để xác minh đối tượng sẽ bỏ trốn gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý sau này.
Ngoài ra, tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành trong vòng 02 ngày; tuy nhiên việc thực hiện quy định này trong xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực giao thông rất khó khăn vì số lượng quyết định xử phạt nhiều, khó xác định địa chỉ, hầu hết người vi phạm an toàn giao thông phần lớn là lái xe (nơi cư trú không ổn định nên ít khi có mặt ở địa phương; nhiều trường hợp địa chỉ ghi trong giấy tờ khác với địa chỉ nơi cư trú thực tế). Đề nghị xem xét tăng thời gian gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính.