Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội trường. |
Đại biểu cho rằng, trong giai đoạn 2015-2020, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện, hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, nông thôn phát triển theo quy hoạch, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và khôi phục, đời sống người dân dần được nâng lên,....
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng cho rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số nơi, đặc biệt là những địa phương khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế và thể hiện rõ rệt sự chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền của cả nước. Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra, có cả khách quan và chủ quan như do tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Do đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế , xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn tới việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền trong thực hiện chương trình thì việc có cơ chế hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương theo hướng ưu tiên cho các địa phương gặp khó khăn là cần thiết.
Để thực hiện được mục tiêu này, đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh vào một số giải pháp theo hướng điều chỉnh phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 có tính đến nấc thang hệ số phân bổ vốn. Quy định hệ số cấp tỉnh hoặc quy định hệ số theo 7 vùng trên cả nước, trong đó cần ưu tiên hệ số hỗ trợ cao hơn đối với tỉnh, vùng còn nhiều khó khăn. Cùng với đó trên cơ sở hệ số cấp tỉnh hoặc vùng, quy định hệ số phân bổ vốn đến cấp huyện, cấp xã, trong đó cần tính đến hệ số hỗ trợ đối với xã, huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết chương trình này đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giảm nghèo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều; chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; tỷ lệ nghèo tại các huyện nghèo vẫn còn trên 50%.
Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị việc ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cần theo hướng hỗ trợ có điều kiện, chỉ hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế; còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay và có hoàn trả. Tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất, chăn nuôi dài như: trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò… và các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn. Thực hiện phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức, hỗ trợ trọn gói, giao quyền cho địa phương...