Đại biểu Ma Thị Thúy, tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Luận Cư trú. |
Tại phiên họp, đại biểu thảo luận trực tuyến về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú. Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu tham gia thảo luận về dự án này.
Dự án Luật Cư trú đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 47. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật gồm 7 chương và 38 điều. Các đại biểu cơ bản đồng ý với tinh thần đổi mới của dự thảo luật, đặc biệt việc sửa đổi góp phần chuyển đổi, thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Phát biểu góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, dự án Luật Cư trú sửa đổi trình Quốc hội lần này có nhiều nội dung đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện. Dự thảo luật đã thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh; quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ hộ và các thành viên của hộ gia đình trong việc thực hiện quy định của pháp luật về cư trú; quyền và nghĩa vụ của công dân; quy trình thủ tục thực hiện về cư trú... giúp cho việc thực hiện các thủ tục về cư trú rõ ràng, hiệu quả hơn.
Về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị làm rõ cụm từ “chỗ ở hợp pháp” cho phù hợp, thống nhất với các điều, khoản trong luật. Cách xác định “Chỗ ở hợp pháp là nơi để ở, thuộc quyền sở hữu sử dụng của công dân bao gồm nhà ở, tàu thuyền phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.
Về điều kiện đăng ký thường trú có nội dung quy định: “Đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người”. Như vậy, sẽ tạo sự phân biệt đối xử thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương và chưa phù hợp với nguyên tắc quyền tự do cư trú. Do vậy, đề nghị Quốc hội làm rõ hơn sự cần thiết của việc giao cho HĐND cấp tỉnh quy định về diện tích bình quân chỗ ở làm điều kiện cho việc đăng ký thường trú.
Về nội dung xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp vắng trên 12 tháng liên tục tại nơi cư trú sẽ gây khó khăn cho nhiều đối tượng như: người lao động tự do, không cư trú tại địa phương trên 12 tháng mà không đăng ký tạm trú ở nơi khác đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có rất nhiều trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú. Nếu công dân ở xa cần các thủ tục hành chính khác như cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, các loại giấy tờ khác cần xác nhận của địa phương nơi cư trú thì phải làm đăng ký lại thường trú. Điều này gây khó khăn, mất nhiều thời gian của công dân, đề nghị Quốc hội xem xét cho phù hợp với tình hình thực tế hơn.
Quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp “Đã được đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới”, nên đề nghị bổ sung quy định khi cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân thì xóa đăng ký thường trú.
Điều kiện đăng ký tạm trú, đại biểu đề nghị lựa chọn phương án, tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như luật hiện hành tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần. Đối với xóa đăng ký tạm trú đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “xóa đăng ký tạm trú khi đã đăng ký tạm trú tại nơi khác” vào dự thảo Luật.
Điều khoản thi hành đại biểu lựa chọn phương án: có quy định chuyển tiếp, theo đó kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần bổ sung thêm quy định về thời gian đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng; có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với nhân khẩu đăng ký thường trú trong các nhà ở tập thể; công dân khi đi khỏi địa phương phải khai báo; đề nghị hướng dẫn, quy định cụ thể đối với các trường hợp đăng ký tạm trú đối với các trường hợp không thuộc diện phải khai báo tạm vắng khi đi làm thủ tục đăng ký tạm trú chỉ cần xuất trình giấy chứng minh nhân dân này để quản lý nhân khẩu.