Đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc sở Văn hoá thể thao & Du lịch tỉnh Tuyên Quang. |
Đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển ngành nông nghiệp cũng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Trên thực tế lĩnh vực này đã đem lại nguồn thu đáng kể, đóng góp tích cực trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu nhận định, khó khăn lớn hiện nay đối với ngành nông nghiệp và thủy hải sản là máy móc, công cụ hỗ trợ phục vụ quá trình sản xuất và chế biến chưa theo kịp sự phát triển, máy móc chủ yếu nhập từ nước ngoài trong khi doanh nghiệp trong nước chưa có nhiều điều kiện để phát triển. Đây được xem là nút thắt lâu nay khiến giá trị của ngành này chưa thực sự được phát huy tối đa. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương với vai trò và trách nhiệm của mình sẽ có những giải pháp căn cơ gì để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, thủy hải sản đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Âu Thị Mai, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng vấn đề đại biểu nêu ra đang là những hạn chế của ngành chế biến máy móc công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bộ trưởng cho rằng về cơ bản, ngành chế tạo cơ khí phục vụ nông nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định như thiết bị chế biến phục vụ sản xuất lúa gạo với các máy động lực, thiếu bị cho chế biến và lưu trữ gạo, các máy móc phục vụ cho trồng và thu hoạch đã được chế biến hàng loạt. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận chất lượng và tính cạnh tranh của các loại máy móc trong nước chế tạo vẫn còn rất hạn chế và mới đạt được 30% nhu cầu thị trường, trong khi áp lực từ sự cạnh tranh của máy móc đến từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc là rất lớn.
Đối số với lĩnh vực chế biến thủy, hải sản, hiện đã có nhiều chính sách cũng như nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này với 90% tổng giá trị đầu tư cho ngành cơ khí nông nghiệp. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng lĩnh vực này sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư hơn nữa trong giai đoạn tới bởi khu vực nông nghiệp, thủy, hải sản đã và đang mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế. Trách nhiệm của Bộ Công thương sẽ lồng ghép các chính sách tạo công ăn việc làm, chuyển đổi kinh tế, bảo vệ môi trường nhất là tại các khu vực nông thôn, lành nghề giàu tiềm năng. Bộ cũng sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược phát triển ngành cơ khí chế tạo đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...