Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung từ năm 2010 đến hết tháng 6 năm 2018 trên địa bàn tỉnh

Chiều ngày 25/10/2018, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp nghe giải trình việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung từ năm 2010 đến hết tháng 6/2018 trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Kim Long, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì phiên họp.

Đồng chí Phó Chủ tịch Triệu Kim Long phát biểu chủ trì phiên giải trình.

Dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Đình Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo: Công ty Cổ phần cấp thoát nước Tuyên Quang, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; phóng viên Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Tại phiên họp giải trình, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh báo cáo kết quả khảo sát việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát thực tế cho thấy: Trong thời gian qua việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh được nâng từ 57,1% năm 2010 lên 82% năm 2017, góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe của người dân khu vực nông thôn, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ngày càng được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh vẫn có một số tồn tại, hạn chế: Việc khảo sát thiết kế quyết định đầu tư một số công trình chưa sát với thực tế và nhu cầu của người dân; công tác quản lý nhà nước, quản lý vận hành, khai thác công trình còn nhiều bất cập, chất lượng nước của một số công trình chưa đảm bảo vệ sinh; nhiều công trình đi vào vận hành không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực và bức xúc trong nhân dân...

Tại phiên họp giải trình, các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh đã thẳng thắn nêu câu hỏi về trách nhiệm của các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Y tế và UBND huyện Hàm Yên, Yên Sơn về những tồn tại, hạn chế trong việc khảo sát thiết kế quyết định đầu tư xây dựng, trong việc thẩm định hồ sơ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh; đề nghị làm rõ trách nhiệm của các ngành, cấp và giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới. Các đại biểu cũng quan tâm đến những tồn tại, hạn chế cụ thể của một số công trình như công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại trung tâm xã Đà Vị, Yên Hoa  huyện Na Hang, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn 7, thôn 10 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Đồng Quảng, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn,...trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng trong việc thẩm định hồ sơ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; trách nhiệm của ngành Y tế đối với nhiệm vụ kiểm tra đánh giá chất lượng nước của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Đại diện lãnh đạo các Sở và Ủy ban nhân dân các huyện đã thẳng thắn nhận rõ trách nhiệm của ngành mình, cấp mình trong viêc xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh đồng thời đề xuất các giải pháp để khắc phục, giải quyết.

Phát biểu tại phiên họp giải trình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Quang tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; đồng tình với những hạn chế qua khảo sát của HĐND tỉnh đã chỉ ra. Đồng chí nhấn mạnh, UBND tỉnh sẽ tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Các huyện, thành phố có phương án sửa chữa, nâng cấp, quản lý, vận hành hiệu quả các công trình cấp nước, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Yên Hoa, Đà Vị, đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ quy trình đầu tư công trình, hoàn thành báo cáo UBDN tỉnh trong tháng 11/2018. Đồng chí lưu ý lãnh đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường kiểm tra, đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Phát biểu kết luận phiên họp giải trình, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, cơ cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh; thực hiện tiến hành kiểm tra đánh giá thực trạng hoạt động của từng công trình, trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, cải tạo, nâng cấp các công trình để đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn quy định. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước; nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý đối với việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Sở Tài chính khẩn trương hướng dẫn các đơn vị quản lý công trình cấp nước xây dựng phương án giá nước sạch theo quy định; nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét thực hiện hỗ trợ giá nước đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đề xuất phương án xử lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn không hoạt động, không có khả năng cải tạo, sửa chữa trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn; tham mưu triển khai thực hiện Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/6/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt để UBND cấp huyện, xã thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã được nêu ra, từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra đến hết năm 2020 có 95% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Thế Anh

Tin cùng chuyên mục