Theo đến cùng kiến nghị chính đáng của cử tri

Phát huy vai trò là cơ quan quyền lực ở địa phương, với cái tâm của mỗi đại biểu HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã theo sát đến cùng những kiến nghị của cử tri thông qua việc đến tận cơ sở, những nơi khó khăn, xa xôi nhất để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời tận mắt khảo sát thực tế để từ đó làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, kiến nghị đến các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị của cử tri.

Trăm nghe không bằng mắt thấy

Chúng tôi theo đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đến khảo sát thực trạng quản lý và sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Bản Thốc, xã Đà Vị (Na Hang) từ 4 giờ sáng. Mặc dù dậy sớm, đi đường xa nhưng không ai trong đoàn khảo sát tỏ ra mệt mỏi khi phải đi bộ hơn 2 tiếng qua 10 cây số đường đồi núi, đèo dốc để lên tận nguồn cấp nước của công trình tại các thôn Bản Thốc, Bản Tâng. Cùng theo đoàn khảo sát có lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, cán bộ huyện và xã. Đoàn khảo sát còn vào từng nhà dân để nắm bắt thông tin và tâm tư của gia đình.

Công trình nước sinh hoạt tập trung thôn Bản Thốc, xã Đà Vị có vốn đầu tư lớn, nhưng đến nay hoạt động kém hiệu quả, chất lượng nước không đảm bảo, bị hư hỏng, xuống cấp đã được nhiều cử tri kiến nghị trong thời gian dài, nhưng đến nay chưa được khắc phục. Ông Lý Minh Bình, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh cho biết, thực trạng quản lý, vận hành, sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung đã được HĐND tỉnh tổ chức chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và thảo luận tại kỳ họp thứ sáu. Bởi đây là những kiến nghị của nhiều cử tri qua các lần tiếp xúc cử tri, tiếp nhận đơn thư phản ánh.


Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tại công trình cấp nước sinh hoạt  tập trung thôn Nà Cha, xã Lăng Can (Lâm Bình).

Đây cũng là vấn đề quan trọng, trực tiếp tác động đến đời sống và sức khỏe người dân. Bởi vậy, không dừng lại ở chất vấn, thảo luận mà lần này, Ban Dân tộc HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh giao khảo sát tại địa bàn các huyện, thành phố về tình hình quản lý, sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung. Trong đó có những công trình được đánh giá không hoạt động, người dân nhiều lần kiến nghị, đang hoạt động hiệu quả hoặc hoạt động mức trung bình, công trình tới đây đã xác định được nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, để từ đó phục vụ cho phiên giải trình tới đây của Thường trực HĐND tỉnh về vấn đề này.

Ông Hà Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đà Vị (Na Hang) cho biết: “Việc tổ chức khảo sát đến tận chân công trình của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khiến chúng tôi rất phấn khởi. Bởi mong muốn của người dân nơi đây có nguồn nước đảm bảo để phục vụ sinh hoạt đã có từ rất lâu và được kiến nghị nhiều lần. Chúng tôi hy vọng, HĐND tỉnh sẽ có những kiến nghị đến cơ quan chức năng của tỉnh sớm có giải pháp vận hành hiệu quả công trình, đem nguồn nước sạch đến với người dân”. Không chỉ đến tận công trình cấp nước ở xã Đà Vị, đoàn khảo sát còn đến những nơi xa xôi, giao thông đi lại hết sức khó khăn của các địa phương khác như: Thôn Nà Tông, Nà Va, xã Thượng Lâm; thôn Nà Cha, xã Lăng Can (Lâm Bình); thôn Nà Sản, xã Sơn Phú (Na Hang); thôn Nà Lừa, xã Trung Hà (Chiêm Hóa)...

Giải quyết triệt để kiến nghị chính đáng 

Đó chỉ là một trong số rất nhiều kiến nghị chính đáng của cử tri đã được HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh quan tâm kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh đã tổ chức chất vấn đại biểu về công tác quản lý thuốc khám chữa bệnh BHYT, tình trạng thiếu thuốc thiết yếu BHYT do chậm đấu thầu của ngành y tế. Sau chất vấn, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiếp tục giám sát thường xuyên đối với ngành y tế để kịp thời có các giải pháp khắc phục, rà soát, kiểm tra các nhà thuốc tư nhân, cơ sở cung ứng thuốc và vật tư thiết bị y tế, đẩy nhanh công tác đấu thầu để có đủ lượng thuốc thiết yếu phục vụ người bệnh.

Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và qua hoạt động giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, nhiều cử tri kiến nghị về tình trạng nhà vệ sinh trong các trường học thiếu, xuống cấp, không sử dụng được, Ban đã tổ chức giám sát tại nhiều trường học. Sau giám sát đã kiến nghị với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố, ngành giáo dục tìm giải pháp khắc phục để đầu tư sửa chữa, xây mới. Cô giáo Trần Thanh Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, toàn trường có 1.500 học sinh, nhưng trước năm học 2018-2019 chỉ có 2 phòng vệ sinh cho các em học sinh. Công trình đã xuống cấp, nhiều phụ huynh kiến nghị.

Sau giám sát của HĐND tỉnh, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết tâm huy động sự đồng thuận của chính quyền địa phương, Hội cha mẹ học sinh để xã hội hóa xây mới 2 nhà vệ sinh, cải tạo 2 nhà vệ sinh cũ. Có thể nói, hiếm có trường học nào trên địa bàn tỉnh hiện nay có công trình vệ sinh dành cho học sinh khang trang, sạch sẽ, an toàn như trường Tiểu học Phan Thiết. Cô giáo Trần Thanh Hương chia sẻ thêm, nếu không có sự giám sát của HĐND tỉnh, thành phố thì có lẽ nhà trường vẫn chưa thể có quyết tâm cao để huy động xã hội hóa xây dựng mới, nâng cấp công trình vệ sinh cho các em.

Bà Lê Thị Thanh Trà, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, Ban luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân qua nhiều kênh, đồng thời coi trọng việc nắm bắt từ thực tế cơ sở, coi trọng hậu giám sát và việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Đặc biệt là đối với những kiến nghị nhiều lần của cử tri nhưng chưa được giải quyết hoặc khó khăn trong giải quyết. 

Những kiến nghị nhiều lần chính đáng của cử tri nhưng chưa được giải quyết đã được HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh theo sát để đôn đốc, giải quyết đã cho thấy mỗi đại biểu HĐND tỉnh đã coi trọng tiếng nói, lợi ích chính đáng của cử tri. Qua đó tăng cường sự tin tưởng của cử tri đối với mỗi đại biểu HĐND tỉnh.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục