Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) là thẩm quyền, trách nhiệm, là một trong những hình thức giám sát của các Ban của HĐND các cấp, trong đó có các Ban của HĐND cấp tỉnh.

Điều 78 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định rất cụ thể về trình tự, cách thức tổ chức hoạt động thẩm tra báo cáo trình tại kỳ họp của HĐND. Cụ thể chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, Ban của HĐND tổ chức họp thẩm tra báo cáo trình tại kỳ họp theo sự phân công của HĐND, Thường trực HĐND. Việc thẩm tra báo cáo được tiến hành theo trình tự: Người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày; Đại diện cơ quan, tổ chức được mời dự phiên họp phát biểu ý kiến; Ban của HĐND thảo luận; Người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày, giải trình bổ sung; Chủ tọa phiên họp dự kiến kết luận; Ban của HĐND biểu quyết khi xét thấy cần thiết. Báo cáo thẩm tra của Ban của HĐND được gửi đến HĐND, Thường trực HĐND cùng cấp.


Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khảo sát tình hình xây dựng Trạm y tế xã Phúc Thịnh (Chiêm Hoá).  Ảnh Thủy Châu

Tại tỉnh ta, việc thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp HĐND tỉnh được HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh chú trọng chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND tỉnh và lĩnh vực phụ trách, các Ban tổ chức thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh trình tại kỳ họp, thể hiện kết quả thẩm tra bằng báo cáo thẩm tra của từng Ban trình kỳ họp. Ban Kinh tế- Ngân sách thẩm tra về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương; Ban Văn hóa - Xã hội thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, chính sách tôn giáo; Ban Pháp chế thẩm tra về tình hình thi hành pháp luật, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Ban Dân tộc thẩm tra về tình hình công tác dân tộc và thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh trình tại kỳ họp ngày càng được chuẩn bị kỹ và có chất lượng. Đơn cử tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh diễn ra đầu tháng 7 năm 2018, báo cáo thẩm tra của cả 4 Ban HĐND tỉnh đã được các cơ quan chịu sự giám sát, các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu dự kỳ họp và cử tri trong tỉnh đánh giá cao. Ngoài việc đánh giá khách quan, khái quát về ưu điểm đạt được, các báo cáo thẩm tra đã thắng thắn chỉ ra những hạn chế trong từng lĩnh vực. Cụ thể báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách đã chỉ ra việc triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách về nông nghiệp do HĐND tỉnh quyết định còn chậm, chưa thực sự hiệu quả như chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh; hay thực tế số nợ đọng thuế cao, có xu hướng gia tăng; hạn chế trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh... Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội đã chỉ ra những hạn chế trong Giáo dục - Đào tạo (như tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ năm học 2017- 2018 thấp, không đạt kế hoạch và giảm so với năm học trước; việc nợ tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia; tình trạng thiếu công trình vệ sinh hoặc có công trình vệ sinh nhưng bẩn không sử dụng được trong các trường học); hạn chế trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân (khó khăn trong công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế do vướng mắc trong thanh toán tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; việc tuyển dụng viên chức ngành y tế chậm; hạn chế trong công tác vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh cao); hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hạn chế trong quản lý, phát huy vai trò nhà văn hóa thôn, xóm, bản. Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế đã chỉ ra công tác điều tra, làm rõ tội phạm vẫn còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm có nơi hiệu quả chưa cao, một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng và diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm hành chính xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Vi phạm trật tự công cộng; vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm; khai thác, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản, lâm sản trái phép; trốn thuế, đánh bạc có lúc, có nơi chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong lĩnh vực dân tộc, báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đi sâu phản ánh việc thực hiện Chương trình 135 năm 2018 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 chậm. Các nhận định đưa ra trong báo cáo thẩm tra đều có số liệu cụ thể minh chứng, qua đó cho thấy sự khách quan, công tâm, trách nhiệm của các Ban, là cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại nghị trường. Qua thẩm tra, các Ban đã có những kiến nghị phù hợp, kịp thời đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khắc phục.

Để có được các báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng như trên, việc tổ chức hoạt động giám sát thường xuyên có vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở quy định của pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh và tình hình thực tế của tỉnh, nhất là các vấn đề cử tri quan tâm, trong quá trình giám sát toàn diện lĩnh vực phụ trách, các Ban HĐND tỉnh đã lựa chọn nội dung để giám sát trực tiếp tại cơ sở. Đồng thời trong quá trình giám sát, các Ban đều phát huy vai trò trách nhiệm cơ quan chuyên trách của HĐND tỉnh, phát huy trách nhiệm của từng lãnh đạo, Ủy viên Ban trước cử tri, đi sâu tìm hiểu, nắm bắt đến tận cùng vấn đề, nhất là vấn đề mang tính hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, từ đó phản ánh trong báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp. Có thể thấy cùng với việc phát hiện ra hạn chế, tồn tại của cơ quan quản lý nhà nước, việc các Ban của HĐND tỉnh dám đưa các vấn đề đó vào báo cáo thẩm tra chính là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng, làm nên “hồn” của báo cáo thẩm tra, làm cho hoạt động giám sát của các Ban thực sự hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp của các Ban HĐND tỉnh còn có một số vấn đề cần lưu ý. Hiện nay hoạt động thẩm tra đang thực hiện theo quy trình: lãnh đạo Ban chuyên trách nghiên cứu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị (thuộc đối tượng thẩm tra), trên cơ sở kết quả giám sát của Ban và quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo báo cáo thẩm tra của Ban; sau đó Ban tổ chức họp các Ủy viên trong Ban thông qua báo cáo thẩm tra và trình xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi trình kỳ họp. Quy trình trên chưa đúng với trình tự thẩm tra báo cáo quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; chưa có sự tham gia của cơ quan có báo cáo được thẩm tra và cơ quan khác có liên quan; do đó tính khách quan, minh bạch, hiện đại chưa cao. Ngoài ra do việc phát hành báo cáo chính thức của Ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp có lúc còn chậm dẫn đến các Ban chưa hoàn toàn chủ động trong thẩm tra, báo cáo thẩm tra trình kỳ họp không đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, còn có báo cáo thẩm tra nội dung chưa toàn diện, chưa đề cập đến vướng mắc ở cơ sở hiện cử tri và nhân dân đang quan tâm, nhận định đưa ra trong báo cáo chưa sâu sắc, thiếu nội dung cần kiến nghị.

Để hoạt động thẩm tra các báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của hoạt động thẩm tra các báo cáo trình kỳ họp HĐND. Đây là một hình thức giám sát quan trọng của kỳ họp, là sự phản ánh kết quả giám sát thường xuyên, kết quả hoạt động trọng tâm của các Ban HĐND tỉnh. Nhìn vào chất lượng báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp có thể đánh giá chất lượng hoạt động của từng Ban HĐND tỉnh. Đây chính là cơ sở để các Ban phải chủ động để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát thường xuyên; phát huy vai trò, năng lực của lãnh đạo Ban và các Ủy viên Ban trong nghiên cứu các quy định của pháp luật, trong giám sát, thẩm tra; phản ánh đầy đủ, đúng vấn đề trong báo cáo thẩm tra, nhất là các vấn đề cử tri và nhân dân đang quan tâm, những vướng mắc, hạn chế do công tác quản lý nhà nước; trên cơ sở đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục.

Thứ ba, cần thực hiện việc thẩm tra báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh theo đúng trình tự quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Tại buổi họp thẩm tra báo cáo, ngoài đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo một số ngành có liên quan, cần mời Thường trực HĐND dự và cho ý kiến ngay tại buổi họp thẩm tra. Việc tổ chức họp thẩm tra báo cáo theo quy định của Luật sẽ là yếu tố bắt buộc cơ quan có báo cáo được thẩm tra phải chuẩn bị, gửi báo cáo để thẩm tra đúng thời gian quy định; khắc phục tình trạng báo cáo trình kỳ họp chậm như hiện nay. 

Thứ tư, cần thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo thẩm tra (hậu giám sát) để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Các Ban cần đưa những vấn đề đã kiến nghị vào nội dung giám sát thường xuyên, hằng tháng có sự trao đổi với cơ quan được kiến nghị để chỉ đạo khắc phục những hạn chế, vướng mắc; đồng thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.

Đào Văn Tuệ
Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII

Tin cùng chuyên mục