Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại phiên giải trình liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. |
Theo thường trực HĐND tỉnh, để có được phiên giải trình hiệu quả, thiết thực, việc chọn vấn đề và nội dung giải trình hết sức quan trọng. Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh và qua các kênh thông tin khác như ý kiến, kiến nghị của cử tri, phương tiện thông tin đại chúng..., Thường trực HĐND tỉnh xem xét, lựa chọn các nội dung cần yêu cầu các ngành giải trình. Đó là các vấn đề nóng, phức tạp được đông đảo cử tri quan tâm; vấn đề có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập giữa các ngành; những tồn tại, hạn chế cần nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết.
Khi đã lựa chọn được vấn đề giải trình, tùy từng lĩnh vực, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các ban nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát. Từ đó, đề xuất các nội dung giải trình cụ thể, lựa chọn các ngành, các cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình. Các vấn đề này được Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp giao ban. Sau khi thống nhất, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo về các vấn đề giải trình, báo cáo gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước phiên họp từ 5 - 7 ngày.
Tại các phiên giải trình, chủ tọa nêu nội dung yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình; trưởng ban được giao chuẩn bị nội dung trình bày tình hình thực tế qua giám sát, khảo sát hoặc qua các kênh thông tin khác và các yêu cầu giải trình; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo giải trình những vấn đề được yêu cầu. Thành viên Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tham dự nêu các câu hỏi yêu cầu làm rõ hoặc nêu những vấn đề khác nhau giữa báo cáo giải trình và thực tế. Người giải trình tiếp tục giải trình vấn đề được nêu ra, đại diện UBND tỉnh phát biểu làm rõ thêm. Chủ tọa phiên họp tóm tắt nội dung phiên giải trình và kết luận vấn đề được giải trình.
Từ đầu năm đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 2 phiên họp giải trình với nhiều nội dung còn có những tồn tại, bất cập được cử tri và nhân dân quan tâm như: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH. Trong đó, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, UBND các huyện thành phố, các cấp, các ngành liên quan đã trực tiếp giải trình những vấn đề mà HĐND tỉnh yêu cầu. Các ngành, các địa phương có liên quan tham gia trả lời phần chất vấn thêm của các đại biểu HĐND tỉnh trong phiên giải trình, qua đó làm rõ hơn vấn đề được nêu ra.
Cụ thể, trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, tiến độ giải quyết đối với một số vụ việc thuộc thẩm quyền còn chậm. Có vụ việc đã được các ngành chức năng kiểm tra, rà soát và đề xuất hướng giải quyết nhưng chưa kịp thời giải quyết theo thẩm quyền. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là trong việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn sai sót, chậm được khắc phục. Công tác phối hợp giữa các ngành chuyên môn và địa phương tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vụ việc chưa chặt chẽ, có vụ việc chưa thống nhất hướng giải quyết...
Trong phiên giải trình, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan đã nhìn nhận hạn chế, đưa ra những hướng khắc phục trong thời gian tới. Nhất là đối với những vụ việc cụ thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp các ngành đã đưa ra những lộ trình giải quyết phù hợp.
Tương tự, về vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được UBND tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường đánh giá, nhìn lại đúng thực chất vấn đề và chỉ rõ của những nguyên nhân tồn tại hạn chế. Qua đó, thống nhất trao đổi, đưa ra các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND.
Có thể thấy, bước đầu, hoạt động giải trình đã có những tác động tích cực. Hoạt động giải trình không chỉ làm rõ trách nhiệm mà quan trọng hơn là nhằm tìm kiếm giải pháp, kiến nghị đề xuất hoặc ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng niềm tin của cử tri, nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND.