Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã dự và làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Tham gia Đoàn giám sát còn có lãnh đạo Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, chuyên viên Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu kết luận. |
Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, ngành Thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả công tác thi hành án dân sự đã đạt kết quả tích cực, đã thi hành về việc đạt 87,78%, vượt 4,78%; về tiền đạt 57,64%, vượt 16,54% so với chỉ tiêu được giao năm 2021. Hoàn thành 100% việc theo dõi các bản án hành chính của Toà án nhân dân các cấp đã xét xử trong năm 2021. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của công dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hoạt động giám sát tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, qua nghiên cứu các báo cáo của Cục Thi hành án dân sự trình kỳ họp cho thấy: Công tác thi hành án đối với một số vụ việc chưa có điều kiện thi hành được thụ lý từ năm 2019 đến nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, chủ yếu là các vụ việc liên quan đến đối tượng yêu cầu thi hành án là các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn tỉnh; liên quan đến tranh chấp đất lâm nghiệp của cá nhân với các công ty lâm nghiệp; các vụ việc dân sự trong hình sự; các vụ tranh chấp hợp đồng dân sự về vay nợ với số tiền thi hành án lớn nhưng người phải thi hành án phải chấp hành án hình sự lâu năm hoặc không có tài sản, thu nhập; các vụ việc người phải thi hành án có tài sản là nhà đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ảnh hưởng đến quá trình tổ chức kê biên, xử lý tài sản để thi hành án; các vụ việc đã kê biên tài sản nhưng chưa bán được; các vụ việc đang chờ kết quả giải quyết tại cơ quan Tòa án…
Việc chậm giải quyết các vụ việc nêu trên có nguyên nhân khách quan là do người phải thi hành án có tài sản nhưng chỉ duy nhất là nhà và đất thuộc vùng sâu, vùng xa có giá trị thấp hoặc quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận nên khó thi hành. Một số trường hợp người phải thi hành án đang thi hành hình phạt tù nên không có tài sản, thu nhập để đảm bảo thi hành....Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, phối hợp trong giải quyết công việc có lúc còn hạn chế và chưa quyết liệt; chất lượng công tác tham mưu của công chức có việc còn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan có việc chưa thật sự hiệu quả.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Minh Xuân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của cơ quan Thi hành án dân sự, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần có giải pháp hiệu quả và quan tâm thực hiện một số nội dung trong thời gian tới. Trước hết, Cục Thi hành án dân sự tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về công tác thi hành án dân sự. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; tăng cường đoàn kết nội bộ. Coi trọng nâng cao kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên, công chức bảo đảm có phẩm chất, đạo đức tốt và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng chí Phạm Thị Minh Xuân đề nghị Cục Thi hành án dân sự tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện xác minh, phân loại án đầy đủ, kịp thời, chính xác, tổ chức thi hành án đúng trình tự, thủ tục theo quy định, không để xảy ra vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự. Chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra thực thi công vụ đối với các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện; có kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả và xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; các vụ án tham nhũng và các vụ án có liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Thực hiện có hiệu quả các phần mềm quản lý công việc của ngành, nhất là phần mềm quản lý người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự và cơ chế một cửa tại các cơ quan thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được thi hành án cũng như nâng cao năng lực quản lý và công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan thi hành án. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, bảo đảm giải quyết đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan có thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án đối với các vụ việc hiện còn đang vướng mắc, các vụ việc chưa có điều kiện thi hành. Nâng cao chất lượng việc theo dõi bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; kịp thời tham mưu với cấp uỷ, chính quyền có giải pháp nâng cao công tác quản lý Nhà nước tại địa phương.