Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu kết luận. |
Tham gia Đoàn giám sát còn có lãnh đạo Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, chuyên viên Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.
Trên cơ sở nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thanh tra tỉnh trong 11 tháng năm 2021 và ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Thanh tra tỉnh, Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong năm 2021. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2021 đã được phê duyệt, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện 1.242 cuộc thanh tra, kiểm tra (giảm 266 cuộc so với năm 2020); ban hành 357 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm; thu hồi tiền nộp ngân sách Nhà nước và điều chỉnh, giảm trừ các khoản tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực, đã giải quyết 21/32 vụ việc đơn khiếu nai; 20/23 vụ việc đơn tố cáo; hoàn thành 25/27 vụ việc do UBND tỉnh giao kiểm tra, xác minh; tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết 75/100 vụ việc tồn đọng, kéo dài. Hoàn thành việc tổ chức tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu của người có nghĩa vụ kê khai trên địa bàn toàn tỉnh thuộc thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập của Thanh tra tỉnh và Thanh tra Chính phủ theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Thanh tra tỉnh trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan đến kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; việc phát hiện, thu hồi và xử lý sau thanh tra, kiểm tra và một số nội dung khác cần quan tâm. Đại diện lãnh đạo Thanh tra tỉnh và các đồng chí lãnh đạo Phòng chuyên môn của Thanh tra tỉnh đã trình bày, làm rõ những vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kéo dài; chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Thanh tra tỉnh cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau: Trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp; nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường tại một số địa phương có triển khai thực hiện các dự án về công nghiệp, giao thông, du lịch, xây dựng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Thanh tra tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý tố cáo, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Chỉ đạo việc nắm chắc tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng chống tham nhũng, lãng phí đến nhân dân trên địa bàn. Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo: Phấn đấu đạt tỷ lệ 90% đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết; phối hợp với các cơ quan, đơn vị giải quyết xong đạt tỷ lệ từ 85% trở lên các vụ việc được Ủy ban nhân dân tỉnh giao; phối hợp, tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt từ 80% trở lên; không để xảy ra các điểm nóng về khiếu nại, tố cáo và các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp trên địa bàn. Chú trọng giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo công dân.
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tiêu cực, tham nhũng thông qua công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chỉ đạo toàn ngành hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2021 được phê duyệt; thường xuyên rà soát, kịp thời xử lý tránh để chồng chéo trong hoạt động thanh tra đối với các doanh nghiệp, thực hiện thanh tra đối với doanh nghiệp không quá 01 lần/năm; phối hợp thanh tra liên ngành để không gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thuận lợi nhất để doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh phát triển theo đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.