Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chủ trì hội thảo; tham gia chủ trì hội thảo có các đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; Phạm Văn Loan, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Tham dự hội thảo có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban dân tộc tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; lãnh đạo các Sở: Nội vụ, Công thương, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Đã có 30 tham luận gửi tới hội thảo, trong đó có 10 tham luận trực tiếp trình bày tại hội thảo. Các tham luận nêu rõ thực trạng giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh; các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giám sát... từ đó kiến nghị những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội thảo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Hội thảo khoa học có ý nghĩa thực tiễn lớn. Qua hội thảo đã nhận thức sâu sắc hơn về hoạt động giám sát của HĐND; nhận diện rõ hơn về chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát, hình thức giám sát, thẩm quyền, cách thức tổ chức thực hiện giám sát. Từ 2004 đến nay các chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát đã tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, qua đó đã đóng góp những kết quả hết sức quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Các tham luận đã thẳng thắn đề cập những hạn chế, khó khăn trong hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh; có những hoạt động còn mang tính hình thức; nhận thức về vị trí, vai trò hoạt động giám sát chưa đầy đủ; kỹ năng giám sát, đôn đốc, kiểm tra thực hiện, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, các kiến nghị sau giám sát chưa được coi trọng đúng mức; việc giám sát trong kỳ họp còn bất cập; việc xem xét các báo cáo của UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan liên quan còn phiến diện; chất lượng thảo luận tại kỳ họp còn hạn chế; chất vấn tại kỳ họp chưa sâu, chưa đề cập đến những vấn đề bức xúc cần phải tháo gỡ; việc giám sát giữa hai kỳ họp cơ bản đã thực hiện theo quy định, việc giải trình thực hiện tương đối tốt, nhưng chưa bao quát được hết các lĩnh vực, chưa tổ chức được việc chất vấn giữa hai kỳ họp; giám sát chuyên đề đã chỉ ra được rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ, khắc phục, tuy nhiên việc đôn đốc, kiểm tra giải quyết kiến nghị giám sát còn hạn chế. Nguyên nhân do chất lượng của đại biểu HĐND, các cơ quan tham mưu giúp việc của HĐND có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu tham luận tại hội thảo. |
Hội thảo đã chỉ ra các yếu tố chủ quan, khách quan tác động đến hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có 6 yếu tố chính là: Quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND và chất lượng đại biểu HĐND; năng lực, trách nhiệm trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan; nhận thức và trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND.
Về tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, đồng chí yêu cầu cần tập trung nghiên cứu tiêu chí cho ba nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất là chủ thể giám sát tại kỳ họp gồm: HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Nhóm thứ hai là đối tượng chịu sự giám sát gồm: UBND cùng cấp, Giám đốc các sở ngành, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự, chủ tịch UBND cấp dưới và HĐND các huyện. Nhóm đối tượng thứ ba là khách thể giám sát đó là sự hài lòng của xã hội, của cử tri, mục đích giám sát đạt được, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh có chuyển biến sau giám sát, chi phí bỏ ra trong một cuộc giám sát gồm nhân lực, vật lực, thời gian... Các nhóm giải pháp cần tập trung vào tiếp tục hoàn thiện các cơ chế đảm bảo cho hoạt động giám sát của HĐND; tích cực đổi mới phương thức hoạt động giám sát; thực hiện toàn diện, đầy đủ hơn chất lượng và hiệu quả hơn giám sát tại kỳ họp của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; tăng cường điều hòa phân công phối hợp giữa các cơ quan trong đó trọng tâm là phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các Ban của HĐND; đảm bảo yếu tố quyền lực thực tế sau giám sát của HĐND, trong đó lưu ý đến công khai minh bạch việc tổ chức thực hiện và kết quả giám sát; xây dựng bộ máy tham mưu giúp việc chuyên sâu, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu hoạt động của HĐND và phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong tuyên truyền về hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát của HĐND nói riêng. Đồng chí yêu cầu Chủ nhiệm đề tài, các tập thể, các nhân tham gia đề tài nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của hội thảo để đạt mục tiêu lớn nhất là có được những giải pháp, tiêu chí để đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát của Thường trực HĐND.