Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh là hình thức giám sát mới, lần đầu được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bắt đầu được thực hiện từ nhiệm kỳ 2016-2021. Thường trực HĐND tỉnh xác định tổ chức phiên giải trình là một hình thức giám sát của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp; là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Nội dung giải trình có thể là những vụ việc, vấn đề cụ thể hoặc rộng hơn là những vấn đề liên quan, bao quát chức năng nhiệm vụ của cả một ngành, cơ quan, một lĩnh vực. Có thể coi, giải trình là cuộc kiểm tra, rà soát của Thường trực HĐND tỉnh đối với cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nhận thức rõ hoạt động giải trình là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình giám sát hàng năm, qua đó thể hiện được quyền, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với một số vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm; Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã rất quan tâm tổ chức những phiên giải trình đạt hiệu quả. Qua các phiên giải trình đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, khẳng định được vai trò của HĐND tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Áp dụng các quy định pháp luật một cách sáng tạo, phù hợp thực tiễn
Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh được quy định tại Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, theo đó việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình và người được yêu cầu giải trình do Thường trực HĐND tỉnh quyết định. Quá trình áp dụng quy định pháp luật về hoạt động giải trình, Thường trực HĐND tỉnh luôn đảm bảo tính thống nhất, tính đúng đắn, tính chính xác đồng thời có cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn hoạt động, thể hiện qua một số nội dung sau:
Nội dung giải trình là một trong những vấn đề Thường trực HĐND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và phân công 01 Ban của HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban khác của HĐND tỉnh nghiên cứu, lựa chọn thông qua hoạt động giám sát, ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, phản ánh của công dân và qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung vào vấn đề lớn, nổi cộm, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội được cử tri, dư luận quan tâm.
Khảo sát và báo cáo kết quả khảo sát là một công đoạn quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả phiên giải trình, được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhưng bảo đảm tính toàn diện; một số báo cáo kết quả khảo sát có minh họa bằng hình ảnh kèm theo làm cơ sở tăng tính thuyết phục cho những nội dung yêu cầu giải trình và đề xuất, kiến nghị khi yêu cầu cơ quan, đơn vị có liên quan trách nhiệm giải trình trước Thường trực HĐND tỉnh.
Quy trình tổ chức phiên giải trình được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ. Tại các phiên giải trình, ngoài việc yêu cầu trả lời trực tiếp bằng văn bản, phiên giải trình diễn ra với tinh thần nghiêm túc, không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi, cầu thị; thành phần tham dự phiên giải trình tùy theo nội dung giải trình để triệu tập, mời lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan đến dự và giải trình những vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm. Các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, trọng tâm, rõ địa chỉ và gắn với trách nhiệm của giám đốc các sở, ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, làm rõ trách nhiệm đồng thời có biện pháp khắc phục, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành. Thông qua đối thoại, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu với người trả lời đã làm rõ hơn các nội dung các đại biểu, nhân dân và cử tri quan tâm, tạo không khí dân chủ, nghiêm túc góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của người được giải trình và các đại biểu HĐND tỉnh.
Chủ tọa điều hành phiên giải trình linh hoạt, khoa học, mềm dẻo nhưng vẫn tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Sau mỗi nội dung giải trình, Chủ tọa kết luận rõ ràng, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh giải trình bổ sung nếu thấy cần thiết để làm rõ vấn đề. Kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo kết luận chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cần khắc phục và trách nhiệm của UBND tỉnh, của các sở, ngành liên quan, đồng thời chỉ ra được những giải pháp tiếp theo cũng như hướng xử lý các vấn đề đã được nêu ra; giao các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận giải trình. Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh phối hợp với Văn phòng HĐND tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ phiên giải trình, các tài liệu phục vụ phiên giải trình, kịp thời đăng tải và gửi các tài liệu qua phần mềm gửi nhận tài liệu đến từng đại biểu là lãnh đạo Ban hoạt động chuyên trách và thành viên của các Ban HĐND tỉnh để mỗi đại biểu có thời gian nghiên cứu, tiếp cận tài liệu một cách hiệu quả nhất, khuyến khích động viên đại biểu tham gia đặt câu hỏi, nhất là đại biểu cơ sở, tạo sự lan tỏa tích cực trong hoạt động giải trình.
Hiệu quả rõ rệt từ hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh
Từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức được 08 phiên giải trình, ban hành 14 kết luận sau các phiên giải trình về các vấn đề: Việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; việc đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị… Kết quả, đến nay số kết luận, kiến nghị sau giải trình đã được giải quyết, đạt 92,3% (48/52 ý kiến), nổi bật có những vụ việc đã tồn đọng và kéo dài hơn 10 năm chưa được giải quyết dứt điểm, tuy nhiên sau khi diễn ra phiên giải trình đã được khắc phục ngay, các vụ việc phức tạp, kéo dài được UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giao cho các cơ quan chuyên môn giải quyết dứt điểm.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện khảo sát và đề xuất Thường trực HĐND tỉnh giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Kết luận giải trình yêu cầu thực hiện 05 nhóm vấn đề, đến nay công tác kê khai, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn tỉnh đã cấp được 532.824 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 260.741,41 ha/278.284,0 ha diện tích cần cấp (tăng 39.150 giấy, 8.281,61 ha so với trước khi tiến hành giải trình). Việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Kết luận giải trình yêu cầu thực hiện 07 nhóm vấn đề, đến nay, ngành chuyên môn tham mưu xây dựng nghị quyết sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi, chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh...Việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh khảo sát và đề xuất Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thực hiện giải trình tháng 10 năm 2017. Kết luận giải trình yêu cầu thực hiện 06 nhóm vấn đề. Đến nay, tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 98%, công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội được tăng cường, đẩy mạnh, việc nợ động bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp được hạn chế...Về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh do Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát và báo cáo kết quả khảo sát bằng hình ảnh tại phiên giải trình. Đến nay, các vấn đề kết luận tại phiên giải trình được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các công trình cấp nước sạch tập trung và có phương án xử lý, khắc phục đối với từng công trình để bảo đảm mục tiêu đủ nguồn nước, chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn theo quy định phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Xác định vấn đề giải trình không chỉ tập trung vào những vấn đề lớn mà còn từ những vụ việc cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của nhân dân, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã trực tiếp tham mưu, đề xuất Thường trực HĐND tỉnh khảo sát trên địa bàn 07 huyện, thành phố và thực hiện 02 phiên giải trình về việc giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số vụ việc công dân kiến nghị, đề nghị nhiều lần, kéo dài từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ngay trong quá trình khảo sát chuẩn bị cho phiên giải trình, một số vụ đã được UBND cấp huyện tiếp thu, giải quyết dứt điểm (Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số hộ dân xã Thành Long, huyện Hàm Yên); vụ việc giải quyết kiến nghị 06 hộ gia đình tổ 04 phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang đề nghị được giao đủ đất theo đúng diện tích bán đấu giá đã được UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Tuyên Quang giải quyết dứt diểm đồng thời kiểm tra, rà soát và có giải pháp cụ thể đối với các trường hợp có vướng mắc trong việc giao đất tại thực địa cho các hộ gia đình trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh....
Có thể khẳng định hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy vai trò của Thường trực HĐND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Đồng thời, hoạt động giải trình đã có những tác động tích cực, đã làm rõ thực trạng hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị; nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp khắc phục và thời hạn giải quyết đối với các vấn đề, vụ việc cụ thể trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua giải trình, các cơ quan, đơn vị đã nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, kết quả các phiên họp giải trình là kênh thông tin quan trọng để làm cơ sở Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quyết định nhiều chủ trương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đã tạo nên hiệu ứng tích cực, được Thường trực HĐND cấp huyện học tập và tổ chức giải trình tại địa phương mình như: Thường trực HĐND huyện Sơn Dương tổ chức giải trình việc thực hiện quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn; Thường trực HĐND huyện Chiêm Hóa tổ chức giải trình việc quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện...Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đó là: Việc xác định đối tượng yêu cầu giải trình trong một số trường hợp còn lúng túng; đại biểu HĐND tỉnh tham gia yêu cầu giải trình còn ít, chủ yếu là đại biểu chuyên trách; việc đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nội dung theo kết luận phiên giải trình còn có lúc chưa kịp thời...
Phát huy kết quả đã đạt được, tạo tiền đề thực hiện trong thời gian tới
Từ thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, cần tiếp tục thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của hoạt động giải trình, các quy định của pháp luật liên quan để cụ thể hóa thành những quy định cụ thể, chi tiết và quyết tâm cao trong thực hiện.
Thứ hai, lựa chọn đúng, trúng nội dung và yêu cầu giải trình, đối tượng giải trình. Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, coi trọng việc khảo sát, nắm bắt thông tin và báo cáo đầy đủ, chính xác tình hình thực hiện nội dung giải trình, khuyến khích khảo sát có minh hoạt bằng hình ảnh và làm tốt công tác chuẩn bị báo cáo, tài liệu phục vụ phiên giải trình.
Thứ ba, điều hành phiên họp giải trình thực hiện đúng trình tự theo quy định tại Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; nắm chắc và sâu sát từng nội dung, vấn đề và lĩnh vực, phát huy tính dân chủ trong yêu cầu giải trình và giải trình. Nội dung kết luận giải trình cần phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và gắn với lộ trình, giải pháp thực hiện.
Thứ tư, phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm cao của các Ban HĐND và Văn phòng HĐND tỉnh, của đại biểu chuyên trách trong việc chuẩn bị, tổ chức phiên giải trình.
Thứ năm, tăng cường công tác giám sát thực hiện các kết luận giải trình, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân và cử tri để có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả phiên giải trình trong thời gian tới.