Yên Sơn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện việc phát triển nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI), bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/HU ngày 20/7/2016; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 97a/KH-UBND ngày 29/9/2016 và Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 28/12/2016 triển khai thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở đó các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã đều xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.

Với chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, huyện đã tổ chức rà soát, quy hoạch chi tiết 04 vùng sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng địa phương để tập trung phát triển gồm: Các xã vùng thượng huyện sản phẩm chủ lực là bưởi, ngô, chuối, hồng, mía nguyên liệu, dong riềng, nuôi cá lồng trên sông. Các xã vùng ATK sản phẩm chủ lực là gỗ rừng trồng, chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong lấy mật. Các xã vùng hạ huyện sản phẩm chủ lực là chè, gỗ rừng trồng, bò (bò thịt, bò sữa), lợn, gia cầm (nuôi tập trung), cá, nuôi ong lấy mật, trồng rau. Các xã vùng trung tâm huyện sản phẩm chủ lực là chè, mía, cây ăn quả, gỗ rừng trồng, lợn, gia cầm, cá và nuôi ong lấy mật.


Mô hình nuôi trâu vỗ béo tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn

Một số giải pháp được huyện tập trung triển khai trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa là: Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông nghiệp (toàn huyện có 9.654 máy móc các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp) giúp cho quá trình sản xuất thuận lợi, giảm sức người, tăng năng xuất lao động; đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp, an toàn dịch bệnh (trên địa bàn huyện có 243 trang trại, trong đó có 210 trang trại tổng hợp, 21 trang trại chăn nuôi. Có 95 hộ chăn nuôi lợn có quy mô từ 100 đến 500 con; 03 dự án chăn nuôi lớn là trang trại chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao của Công ty Cổ phần Hồ Toản tại xã Mỹ Bằng, quy mô nuôi 1.000 con, chuẩn bị mở rộng quy mô nuôi thêm 2.000 con. Trang trại chăn nuôi trâu thịt của Công ty TNHH một thành viên thương mại Oanh Phương tại xã Hoàng Khai quy mô 150 con. Trang trại chăn nuôi giống bò thịt chất lượng cao của Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế tại xã Hoàng Khai, quy mô 1.000 con); triển khai 05 đề án và 01 mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đa dạng hóa sản phẩm, hàng nông sản, nguyên liệu, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với cơ chế hỗ trợ vay vốn theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Qua kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các đề án, mô hình cho thấy: Đề án phát triển chăn nuôi trâu gắn với thực hiện cơ chế, sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được triển khai với 818 hộ, hỗ trợ vay vốn trên 40,6 tỷ đồng mua 1.914 con trâu, nâng tổng số đàn trâu toàn huyện lên 15.865 con. Đề án phát triển thuỷ sản triển khai đối với 08 hộ, đã hỗ trợ cho các hộ gia đình vay vốn số tiền trên 1,86 tỷ đồng nuôi 50 lồng nuôi cá, nâng tổng số lồng nuôi cá toàn huyện lên 210 lồng (tăng 186 lồng so với năm 2015), góp phần đưa sản lượng cá thương phẩm toàn huyện năm 2019 đạt trên 2.273,5 tấn. Đề án cải tạo vườn chè già cỗi tại 07 xã và 02 công ty chè Sông Lô, Mỹ Lâm, đến nay đã trồng mới, trồng lại được 155,3 ha. Đề án cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao xã Thái Bình, đã trồng mới 03 ha, ghép cải tạo 03 ha, nâng diện tích cây nhãn của xã lên 87,7 ha và diện tích nhãn toàn huyện lên 369,6 ha. Đề án phát triển cây bưởi tại xã Xuân Vân, đã trồng mới 04 ha với 05 hộ tham gia, nâng tổng diện tích cây bưởi của xã lên 755,3 ha, đưa diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện lên trên 4.000 ha.


Bưởi đặc sản xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn

Cùng với đó huyện chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng phân bón ứng dụng công nghệ Nano vào sản xuất trên cây chè, cây ăn quả, cây lúa. Tưới chủ động cho cây chè tại xã Mỹ Bằng, tưới cho cây mía tại xã Nhữ Khê, tưới tiết kiệm nước cho cây bưởi, cam. Triển khai chuỗi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và thu hoạch, sản xuất chè tại xã Mỹ Bằng v.v.. Tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, quản lý chất lượng, quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; từng bước xây dựng các sản phẩm nông nghiệp của huyện phục vụ du lịch. Đến nay Yên Sơn đã có 17 sản phẩm nông sản xây dựng được nhãn hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ (Rượu gạo men lá Tiến Huy, xã Hùng Lợi; Miến dong Hợp Thành, xã Lực Hành; Miến dong Hảo Hán, xã Nhữ Hán; Gạo chất lượng cao, Mỳ khô Thuật Yến, xã Kim Phú; Bưởi đặc sản Phúc Ninh, xã Phúc Ninh; Rượu chín chum, Bưởi đường Xuân Vân, Hồng ngâm Xuân Vân, xã Xuân Vân; Gà chất lượng cao, Chè Bát tiên, Chè Tháng 10, Trứng gà sạch Bùi Hùng, Táo sạch Yến Minh, xã Mỹ Bằng; Nhãn Bình Ca, xã Thái Bình; Nước khoáng Mỹ Lâm, Chè Ngọc Thúy Sử Anh, xã Phú Lâm). Thông qua việc phát triển nông nghiệp hàng hóa đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Hết năm 2019, toàn huyện có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình các xã đạt 14,7 tiêu chí/xã.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển nông nghiệp hàng hóa tại huyện Yên Sơn còn có những hạn chế. Đó là công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai, tổ chức thực hiện của một số cơ sở chưa thường xuyên, hiệu quả. Việc dồn điền đổi thửa để sản xuất quy mô lớn còn hạn chế. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở một số địa phương còn tự phát, chưa bám sát quy hoạch. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến gặp nhiều khó khăn, thiếu sự liên kết theo chuỗi. Việc mở rộng ứng dụng các quy trình sản xuất tiến bộ (VietGap, nông nghiệp hữu cơ…) trong sản xuất còn chậm. Các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, rộng rãi. Số lượng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa còn hạn chế.

Trong thời gian tới huyện Yên Sơn cần tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế trong phát triển nông nghiệp hàng hóa thời gian qua; tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng đã quy hoạch gắn với thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh đã được HĐND tỉnh quyết nghị; đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện các đề án, mô hình để nhân rộng. Cùng với đó huyện cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ bền vững; đồng thời gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, xây dựng thêm các sản phẩm nông nghiệp của huyện phục vụ du lịch.

Với quyết tâm đổi mới về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp hàng hóa của huyện Yên Sơn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu của huyện về xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Yên Sơn phát triển nhanh và toàn diện.

Thanh Lê

Tin cùng chuyên mục