Quy hoạch, xây dựng đô thị Tuyên Quang đồng bộ, hiện đại

Nhằm tạo động lực đột phá trong phát triển đô thị, thành phố Tuyên Quang đã tập trung triển khai việc quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ... bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Điều này khẳng định sự đổi mới trong tư duy, linh hoạt trong công tác thực hiện đã phát huy hiệu quả trong lãnh đạo quản lý và đầu tư phát triển, tạo tiền đề để thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2020.

Đồng chí Tô Hoàng Linh, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang

Thời gian qua, thành phố đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế về thương mại, du lịch, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; hệ thống đường giao thông đô thị được nâng cấp, một số công trình quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng như Quảng trường Nguyễn Tất Thành và Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, nhà văn hóa Trung tâm thành phố, đại lộ Tân Trào, đường Minh Thanh, hồ công viên Tân Quang, hệ thống chiếu sáng đường phố, cây xanh.

Một số công trình đã và đang triển khai thực hiện như: Trung tâm thương mại Vincom Shophouse Tuyên Quang, khách sạn Grand Mường Thanh góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố. Hiện nay, thành phố mới đánh giá được 59/71 tiêu chuẩn theo tiêu chí đô thị loại II được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đã đánh giá đạt 48 tiêu chuẩn, chưa đạt 11 tiêu chuẩn, chưa đánh giá 12 tiêu chuẩn do chưa có đầy đủ cơ sở để tính toán theo quy định, bao gồm phần diện tích đất mở rộng thành phố chưa xác định rõ ranh giới, do dân số chưa đủ.

Để đạt được các tiêu chí còn lại, đến năm 2020, thành phố phấn đấu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo cơ cấu “công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông, lâm nghiệp, thủy sản”; đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 64 triệu đồng/năm trở lên; phát triển, quản lý đô thị đi đôi với xây dựng nông thôn mới; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng; phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thành phố tập trung phát triển kinh tế với tốc độ trung bình đạt trên 15%/năm, trong đó tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhằm củng cố, duy trì vững chắc các tiêu chí đã đạt và hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt so với quy định đô thị loại II. Xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, mở rộng diện tích đô thị cho thành phố; cải thiện môi trường, kêu gọi thu hút đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp; phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo.


Thành phố Tuyên Quang ngày càng phát triển.    Ảnh: Quang Minh

Thành phố tập trung phát triển hạ tầng, trong đó công tác quy hoạch được chú trọng như thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tỷ lệ 1/2000 các phường và xã An Tường, đảm bảo phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được phê duyệt tại Quyết định số 919/QĐ-UBND, ngày 11-8-2017 của UBND tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch trung tâm 5 xã An Khang, Lưỡng Vượng, Thái Long, Đội Cấn, Tràng Đà; điều chỉnh các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đảm bảo tính khả thi và phù hợp với quy hoạch chung thành phố; hủy bỏ các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 không phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch tỷ lệ 1/2000 của các phường và xã An Tường. Đồng thời, quy hoạch, xây dựng các trường học tại trung tâm các phường đảm bảo có diện tích, cơ sở hạ tầng đạt chuẩn; quy hoạch xây dựng các xã, phường có trụ sở làm việc, nhà văn hóa; phấn đấu mỗi xã, phường đều có sân thể thao. Xây dựng nhà thi đấu thành phố, tạo quỹ đất xây dựng các quảng trường thương mại, quảng trường văn hóa, mở rộng không gian đô thị cho thành phố. 

Song song với đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản, đồng bộ trong giai đoạn 2016 - 2020 với 46,6 km đường giao thông đô thị được cải tạo, nâng cấp, xây mới; 30 km hệ thống thoát nước đô thị; cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố; hệ thống cấp nước, công viên cây xanh, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; hệ thống cấp điện và chiếu sáng đô thị. 

Thành phố đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn của đô thị như công viên dọc bờ sông Lô, cầu Tình Húc, cầu Bình Ca, đường dọc hai bên bờ sông Lô, cải tạo nâng cấp hồ Tân Hà; xử lý nước thải 3 hồ Tân Quang, hồ Xuân Hương, Minh Xuân; cải tạo, nâng cấp đường Trường Chinh; cải tạo, nâng cấp  quốc lộ 2; đầu tư xây dựng các công trình: Nhà thi đấu thành phố, khu liên hợp thể thao tỉnh, nhà tang lễ thành phố, xây dựng đài hóa thân và mở rộng nghĩa trang.

Thành phố tập trung củng cố và hoàn thiện các tiêu chuẩn đã đạt tiêu chí đô thị loại II như cơ sở y tế cấp đô thị, cơ sở giáo dục đào tạo cấp đô thị, công trình văn hóa cấp đô thị; công trình thể dục, thể thao cấp đô thị; công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị. Đồng thời, tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm phát triển kinh tế - xã hội - y tế - giáo dục của thành phố như trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, bệnh viện, triển lãm, nhà hát, rạp xiếc; trung tâm thể dục, thể thao, trường học.


Một góc thành phố Tuyên Quang.  Ảnh: Hùng Cường

Nhằm tạo động lực phát triển đô thị, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bình đẳng đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa khu vực đầu tư tư nhân và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước nhằm khuyến khích mạnh mẽ người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Đồng thời, bố trí theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư cho phù hợp, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm để làm động lực cho đô thị phát triển; đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở xã hội và đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp để làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; khuyến khích xã hội hóa trong các hoạt động dịch vụ công như: Giáo dục, y tế, cấp nước, vận chuyển, thu gom xử lý chất thải huy động nguồn vốn trong dân để tăng nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực trọng điểm đã được xác định; tăng cường xúc tiến đầu tư trực tiếp, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung qua mạng điện tử để cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin rõ ràng, minh bạch về môi trường đầu tư của tỉnh và thành phố, về các cơ chế chính sách ưu đãi, về thủ tục đầu tư nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tập đoàn nước ngoài. Đồng thời, tập trung kêu gọi nguồn hỗ trợ phát triển chính thức vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cần vốn lớn như: Các dự án đường giao thông, các dự án thoát nước quan trọng, phát triển mạng lưới cấp nước sạch, hệ thống xử lý chất thải rắn. Thành phố tiếp tục linh hoạt, đẩy mạnh kêu gọi các hình thức đầu tư như: Xây dựng - chuyển giao; xây dựng - kinh doanh - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - kinh doanh; hợp tác công tư; tạo vốn đầu tư thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất. 

Với thế và lực mới, thành phố Tuyên Quang hôm nay đang trên đà phát triển với dáng dấp đô thị hiện đại. Qua đó, gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa thành phố Tuyên Quang với các đô thị vùng Trung du miền núi phía Bắc; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư, phát huy nội lực để xây dựng thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị có tầm ảnh hưởng và vị trí xứng đáng trong vùng.

                                                                                          Tô Hoàng Linh,
                                                                         Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục