Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi: Tạo điểm nhấn tại các địa phương

Bắt đầu từ năm nay, việc xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại các địa phương được thực hiện theo chuỗi giá trị. Qua đó, sản phẩm hàng hóa được bảo đảm từ đầu vào, thành phẩm đến phân phối.


Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, năm nay tỉnh phân bổ 12,8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa cho 31 xã và một chuỗi phát triển cây bưởi liên xã tại huyện Yên Sơn. 


Mô hình trồng bưởi của gia đình ông Màu Tiến Tuân, thôn 20, xã Kim Phú (Yên Sơn)
 cho thu lãi 150 triệu đồng/năm.

Ông Tạ Văn Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn cho biết, trong năm nay huyện có 8 xã được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi, trong đó xã Kim Phú được hỗ trợ phát triển chuỗi tổng hợp (cây ăn quả, sản xuất bún khô...); xã Chiêu Yên được hỗ trợ phát triển chuỗi cá và tận dụng phụ phẩm từ mía làm thức ăn chăn nuôi; xã Phú Lâm được hỗ trợ phát triển chuỗi chè; xã Trung Môn được hỗ trợ phát triển chuỗi rau an toàn. Các xã Phúc Ninh, Tứ Quận, Thắng Quân, Xuân Vân được hỗ trợ phát triển chuỗi bưởi hàng hóa. Hiện tại, các xã này đang tập trung rà soát, điều tra hiện trạng và lập dự án phát triển. Diện tích bưởi tại các xã này gần 1.000 ha. Đây là những xã có diện tích bưởi ổn định, bước đầu xây dựng được nhãn hiệu và đã tìm được thị trường. Tuy nhiên, do chất lượng quả chưa đồng đều, mẫu mã chưa được bảo đảm nên giá trị kinh tế thu về chưa cao. Từ nguồn vốn hỗ trợ lần này, huyện sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, mẫu mã quả, đồng thời tập trung xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường tại các siêu thị và các tỉnh, thành phố lớn. 

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, năm nay xã Khuôn Hà lập 2 dự án: Dự án hỗ trợ phát triển nuôi vịt hồ lấy trứng và Dự án hỗ trợ phát triển nuôi lợn đen. Ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà cho biết, xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Hiện xã có gần 2.000 con vịt đẻ trứng và hơn 3.000 con lợn đen địa phương. Đây là 2 sản phẩm đã có “tên tuổi” của Khuôn Hà nói riêng và của huyện Lâm Bình nói chung, việc hỗ trợ 2 sản phẩm này sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu của đặc sản địa phương. Ngay sau 2 dự án này, Khuôn Hà sẽ tiến hành rà soát lại hiện trạng đàn vịt bầu địa phương, thu gom trứng để nhân giống và tới đây xây dựng nhãn hiệu vịt bầu Khuôn Hà. 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh. Mục tiêu là bên cạnh việc xây dựng mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”, các địa phương sẽ lựa chọn được sản phẩm chủ lực, vừa góp phần củng cố tiêu chí thu nhập, vừa xây dựng thành điểm nhấn hàng hóa của địa phương. Để làm được điều này, quan trọng nhất hiện nay là các xã phải lựa chọn đúng sản phẩm để đầu tư, hỗ trợ và xác định được thị trường, tránh tình trạng hết nguồn vốn hỗ trợ thì sản phẩm cũng “chết yểu”. 

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục