Nâng cao trách nhiệm của cán bộ cơ sở sau sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố

Đến đầu tháng 6-2019, các xã, phường của thành phố Tuyên Quang đã thực hiện xong việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố. Như vậy, sau sáp nhập, thành phố có 168 thôn, tổ dân phố, giảm 131 thôn, tổ dân phố và giảm 315 cán bộ không chuyên trách ở khu dân cư...

Đảng ủy, UBND phường Tân Hà trao quyết định chỉ định các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố lâm thời.

Ông Trần Xuân Thiểm, Bí thư Đảng ủy phường Tân Hà cho biết: “Đến ngày 30-5-2019, phường Tân Hà đã hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên các tổ dân phố. Từ 1-6-2019, phường có 17 tổ dân phố mới. Việc chỉ định Ban chấp hành chi bộ, bí thư, phó bí thư chi bộ và tổ trưởng lâm thời được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan. Hiện chi ủy các chi bộ đã thực hiện bàn giao, họp đề xuất kiện toàn Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở và các đoàn thể. Việc họp chi bộ, tổ dân phố được các phường triển khai thực hiện theo Hướng dẫn thi hành các điều 11, 14, 16, 22 và điều 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Theo đó, các tổ dân phố có trên 200 hộ, địa bàn dân cư sống không tập trung thì có thể tổ chức họp theo từng cụm dân cư. 

Ông Nguyễn Duy Bao, Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Nông Tiến chia sẻ, ông đã đảm nhận vai trò bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 9 được 12 năm. Trước kia, tổ dân phố 9 chỉ có 118 hộ, sau khi sáp nhập với tổ dân phố 12 thành tổ dân phố 5 thì có 180 hộ. Xác định công việc sẽ vất vả hơn nhưng được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ủng hộ của nhân dân, ông sẽ phối hợp chặt chẽ với ban công tác mặt trận và các đoàn thể trong tổ để điều hành, lãnh đạo mọi công việc, vận động bà con trong tổ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Văn Long, tổ 12, phường Hưng Thành bày tỏ,  trước kia, đối với các vấn đề liên quan đến việc quy định đóng góp các khoản quỹ giữa Ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở các tổ dân phố có sự khác nhau nên sau khi sáp nhập, Ban công tác mặt trận và các đoàn thể cần phải họp bàn, xem xét và thống nhất để đưa ra ý kiến chung thật hợp lý, tránh mất đoàn kết.

Ông Trần Quốc Khánh vừa đảm nhận chức danh Bí thư chi bộ, trưởng thôn 18, xã An Tường cho biết, thôn Thăng Long 2 của ông trước đây có 98 hộ, sau sáp nhập với thôn Thăng Long 1 có 196 hộ, khoảng trên 800 nhân khẩu. Hiện địa điểm để tổ chức họp thôn là cả một vấn đề, vì thôn chưa có nhà văn hóa. Hơn nữa, địa bàn khu dân cư mở rộng, số hộ tăng, công tác quản lý địa bàn đòi hỏi phải có những cán bộ năng động, trách nhiệm, uy tín, nhiệt tình. Cấp ủy, các thành viên của Ban công tác mặt trận và các đoàn thể sẽ nỗ lực, đoàn kết để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Quang, người dân tổ 33, phường Tân Quang chia sẻ, ông tán thành chủ trương này vì khi bộ máy được tinh giản, các khu dân cư được sáp nhập gọn lại, số lượng cán bộ không chuyên trách được giảm đi, ngân sách cũng được giảm bớt, như vậy sẽ có thêm nguồn kinh phí hoạt động khác cho nhân dân. Mong muốn, các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính nếu có các vấn đề phát sinh.  

Trước những lo lắng, băn khoăn của người dân, Công an thành phố đã có thông báo về việc thực hiện điều chỉnh, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố, thông tin trong sổ hộ khẩu gia đình. Việc điều chỉnh sau sáp nhập, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố sẽ trả kết quả sau 3 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ và không thu phí, lệ phí.

Việc sáp nhập các thôn, xóm, tổ dân phố đã hoàn thành nhưng thời gian tới cấp ủy, chính quyền thành phố cần tăng cường sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc cho nhân dân. 

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục